Tui “dị ứng” người Việt xấu xí

(Dân trí) - Một bữa, tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của hai người, xin phép tạm gọi là bà A và ông B, ở phố cổ du lịch nổi tiếng của Quảng Nam. Nói chuyện với bà A, ông B hùng hồn nói: "Tui dị ứng người Việt xấu xí".

Cuộc trò chuyện đầu đuôi như sau:

Bà A: Nè ông, tui nghe nói chủ mấy nhà cổ trong miền tây họ không tiếp khách Việt mình, ông làm du lịch, ông nghe cái chuyện lạ đời ni chưa

Ông B: Tui nghe rồi, báo chí mấy bữa ni họ nói ầm ầm chớ chi. Nhưng mà nói thiệt, tui chẳng thấy cái chi lạ đời ở đây

Bà A: Răng rứa? (sao vậy?)

Ông B: Chớ bà nghe nói thôi mà đọc không kỹ hả. Chủ nhà họ nói rõ ràng rồi. Vườn nhà người ta vun trồng, ỷ làm…thượng đế, vô vặt trụi xơ xác vườn cây nhà người ta hết trơn. Chưa kể, trong nhà toàn đồ cổ, họ nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, rứa mà khách vô nhà tùy tiện cầm lên, để xuống. Chưa kể táy máy tay chân, đánh rơi cái ầm. Bực cái mình mà phải ngậm bồ hòn làm ngọt. Không lẽ khách tới nhà chơi làm bể đồ mà mình đền. Mà đền kiểu chi cho có lại món đồ quý trong nhà. Xong rồi ăn uống xả rác ra tùm lum, dọn dẹp quá khổ đi

Bà A: Ờ he. Rứa ông cũng làm du lịch, cũng đón khách vô nhà cổ. Tui nghe ông nói cái giọng ấm ức rứa chắc cái vụ nhà cổ miền tây tẩy chay khách Việt “gãi trúng chỗ ngứa” nhà ông hả. Ông cũng “dị ứng” khách Việt hả

Ông B: Ời, kể cũng nỗi niềm lắm bà ơi. Nói tẩy chay thì tui không dám tẩy chay. Vì tây ta chi cũng là thượng đế. Họ bỏ tiền mua vé tham quan thì họ có quyền tham quan chớ. Nhưng tui buồn, tui cũng thấy “dị ứng” những người Việt xấu xí. Nhứt là mấy đứa phục vụ văn nghệ cho du khách tới tham quan nhà tui. Chừ bà hỏi quanh mười đứa, hết 9 đứa thích khách tây hơn khách ta, còn một đứa, nó “dĩ hòa vi quý”.
 
Tui “dị ứng” người Việt xấu xí - 1

Việc vứt rác, xả rác "hồn nhiên" bất cứ nơi nào thích dường như đã trở thành thói quen của nhiều người? (nguồn ảnh: tamnhin.net)

Bà A: Tui biết rồi, khách tây hay “bo” cho tụi nó phải không?

Ông B: Bậy bà, ai cho nhận tiền “bo” mà “bo” với không “bo”. Nhưng bà thử tưởng tượng nghe. Một bữa liên hoan xóm chẳng hạn, bà đứng lên hát một bài. Một đứa nghe bà hát xong nó vỗ tay rần rần với một đứa, bà chưa hát hết câu, nó quay sang nói chuyện ầm ầm với đứa ngồi bên cạnh, bà thích đứa mô hơn?

Bà A: Dĩ nhiên là…ông biết rồi hỏi chi nữa?

Ông B: Đó đó. Tui để ý khách Việt mình, tui không có “quơ đũa cả nắm" nghe, nhiều người kỳ ghê. Trên ni mấy đứa biểu diễn văn nghệ, dưới kia, chuông reo cái là họ rút máy di động ra nói chuyện ầm ầm. Chưa kể có mấy ông hướng dẫn viên du lịch mình, họ đang biểu diễn rứa, ổng vô ổng thổi còi tập hợp khách di chuyển qua điểm tham quan khác. Một tiết mục văn nghệ giỏi lắm chưa tới 10 phút. Ổng tiếc chi mấy phút mà không lịch sự giùm, làm mất hứng biểu diễn của người ta hết trơn. Chưa kể ảnh hưởng tới những người vẫn đang theo dõi văn nghệ. Phiền hết sức với ngại hết sức. Ngại nhứt là khi mấy người tây khi đó họ nhìn người mình như người…ngoài hành tinh. Tui cũng người Việt mà, tui thấy ngại dùm mấy người đó đó. Khách tây họ lịch sự lắm nghe, mười lần như một, coi biểu diễn văn nghệ, họ ngồi im re, coi diễn xong cái là vỗ tay rần rần.

Bà A: Ông nói rứa cũng không được. Không làm mất trật tự cho lịch sự thì được chớ lỡ ông diễn dở ẹc, làm răng bắt người ta vỗ tay. Vỗ tay vậy là…khách sáo quá đó nha.

Ông B: Thì tui cũng nghĩ như bà. Nhứt là họ khách tây, văn hóa khác ta mình xa, làm răng hiểu cho hết ý nghĩa câu hát, vở diễn của mình mà hễ nghe xong là vỗ tay y như tâm đắc lắm. Có lần tui hỏi họ, có hiểu vở đó ý nghĩa gì không mà vỗ tay rần rần rứa. Họ nói thiệt họ chưa hiểu lắm, nhưng dở hay chi cũng vỗ tay, vì với họ rứa là thể hiện tôn trọng lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ trên sân khấu. Mấy đứa biểu diễn văn nghệ chỗ tui nghe rứa, tụi hắn như nở từng khúc ruột.

Bà A: Trời, họ văn minh quá ông he. Người mình, nhứt là mấy cái người Việt xấu xí mà ông dị ứng đó, chắc Tết…công gô mới được như rứa ông hỉ (chuyện khó mà xảy ra). Thôi, ông bực thì ông kể tui nghe được rồi chớ đừng nói oang oang trên báo chí như mấy người ở miền tây, ông thẳng thừng nói dị ứng người ta, coi chừng nói nhiều…xa nhau. Làm mất lòng khách, ông hết đường làm ăn đó nghe.

Ông B: Không, “mất lòng trước được lòng sau”, không kịp thì thôi chớ nhiều khi thấy trái tai gai mắt tui cũng góp ý với khách liền. Cũng có người họ nghe ra đó chớ.

Bà A: Ôi trời, ông cũng bao đồng hỉ. Ông nói làm răng cho hết chừng đó người nghe. Mà người Việt xấu xí như kiểu ông nói thì ở mô không có. Như chỗ quán ăn trước nhà tui nè, mỗi bàn ăn đều có thùng đựng rác, rứa mà ngày mô bà chủ quán cũng còng lưng quét rác xả tùm lum cả nhà. Người Việt xấu xí xả ra đó ông. Cái biển “xin quý khách vui lòng bỏ rác vào sọt” bả treo quanh trong quán ăn, họ thấy cũng như không.

Ông B: Ờ, cái đó người lớn đôi khi phải học trẻ con. Như thằng cu Tí cháu tui mới có 4 tuổi đó. Có bữa ngồi ăn tui cũng vô ý vứt giấy lau ra sàn. Nó nói: “ông ơi, ông đừng làm rứa nghe. Cô giáo con ở trường nói làm rứa là xấu”. Nói xong nó chạy tới lượm tờ giấy bỏ vô sọt rác liền. Tui thấy trường mẫu giáo bây giờ nhiều trường người ta dạy trẻ con nhiều ứng xử hay lắm. Nhưng tụi nhỏ được dạy từ mẫu giáo tới khi học lên cấp lớn hơn, hình như phần học “giáo dục công dân” có phần lơ là, tụi nhỏ lớn lên cũng dần quên luôn những điều được dạy từ hồi mẫu giáo. Tui nghĩ để bớt người Việt xấu xí, mình phải được học ứng xử đẹp ở nhà trường rồi cả những người lớn gương mẫu xung quanh nữa. Mình phải có nền tảng giáo dục tốt.

Bà A: Ôi, ông chuyển qua chuyện…vĩ mô rồi. Nói rứa hồi mô cho xong. Tui phải về nhà đi chợ, nấu cơm đây.

 Khiến Hành (ghi)