Bạn đọc viết

Tại sao cứ phạm tội là bị tâm thần?

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng bệnh tâm thần để trốn tránh tránh nhiệm hình sự


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Có một thực tế hiện nay là rất nhiều bị can, bị cáo sau khi phạm tội thường bị xác định bị tâm thần! Trong đó, nhiều trường hợp đã thoát tội một cách khá “ngoạn mục”, vì bị bệnh tâm thần. Chính điều này đã đặt cho dư luận câu hỏi, tại sao ngày càng có nhiều trường hợp sau khi phạm tội, nhất là các tội phạm về kinh tế lại bị bệnh tâm thần? Đặc biệt, nhiều trường hợp sau khi vụ án kết thúc, được miễn truy tố thì những người phạm tội bị coi là mắc bệnh tâm thần lại trở lại bình thường!!!

Thực tế có trường hợp do bị sốc quá lớn khi bị khởi tố, điều tra, xét xử nên những người có hành vi phạm tội có thể suy sụp, từ đó mắc các chứng bệnh thần kinh, tâm thần phân liệt. Tuy nhiên, thời gian gần đây việc lợi dụng bị bệnh tâm thần nhằm “chạy tội”, “chạy án” đang có xu hướng tăng lên đã gây hoài nghi lớn trong dư luận xã hội. Theo quy định pháp luật hiện hành thì người bị bệnh tâm thần sẽ được miễn, giảm hình phạt nên nhiều người đã lợi dụng quy định này để “chạy tội”, trốn tránh trách nhiệm hình sự. Thậm chí, có trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự do được xác định bị bệnh tâm thần nhưng sau khi ra tù, được giảm án lại tiếp tục phạm tội với tính chất, mức độ nguy hiểm hơn.

Có thể khẳng định rằng việc lợi dụng bị “bệnh tâm thần” để “chạy tội”, “chạy án” là rất nguy hiểm. Điều này không những gây ra tình trạng “nhờn luật”, coi thường pháp luật của những kẻ phạm tội mà cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, tạo kẻ hở để “chạy án”, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần có biện pháp nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng bệnh tâm thần để trốn tránh tránh nhiệm hình sự. Theo đó, đối với các vụ án hình sự, nhất là các tội phạm về kinh tế cần bắt buộc giám định tâm thần với quy trình chặt chẽ, độc lập. Đặc biệt cần quy định đối với tất cả những trường hợp nghi bị bệnh tâm thần cơ quan tố tụng cần tổ chức giám định theo yêu cầu của người bị hại hoặc những người liên quan.

Ngoài ra, phải xử lý nghiêm, triệt để đối với những tập thể, cá nhân cố tình tiếp tay hoặc đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật nhằm “chạy án”, “chạy tội” cho các bị can, bị cáo để phòng ngừa, răn đe các hành vi vi phạm về sau. Đây cũng là biện pháp góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giám định tư pháp nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Vĩnh Linh

(Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)