Rượu rởm, thực phẩm “bẩn” - nỗi sợ của dân

Những vụ ngộ độc rượu liên tiếp dẫn đến chết người trong thời gian qua khiến dư luận thực sự lo lắng và …bừng tỉnh. Bừng tỉnh bởi, hàng ngày chúng ta vẫn phải sử dụng rất nhiều những thực phẩm bị nhiễm các chất độc hại, rất độc mà không hề biết hoặc biết nhưng vẫn phải dùng. Lẽ nào các cơ quan chức năng bó tay?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Từ rượu rởm đến…

Rượu rởm được pha chế bằng cồn công nghiệp với nước lã là điều dễ thấy nhất sự nguy hiểm của các chất độc hại đối với con người. Nó dễ thấy vì có các cuộc nhậu dài nên phát tác ngay lập tức. Chỉ từ việc chia vui ngày 8.3 với chị em, cùng nhau chuốc rượu, 9 sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Hải Dương, quê ở Gia Lai đang học ở chi nhánh Hà Nội phải nhập viện, trong đó có 6 người hôn mê. Đau xót hơn, cũng vì uống rượu rởm tại một đám ma ở Lai Châu, hơn 30 người phải nhập viện, sau đó 7 người tử vong. Không gì đáng sợ hơn và cũng không có gì cảnh báo tốt hơn cho các cơ quan chức năng và những người uống rượu rởm.

Tuy nhiên, điều đáng nói là, hình như tình hình xảy ra ở địa phương nào thì các cơ quan chức năng nơi đó lùng sục nguồn gốc, còn các nơi khác không coi đó là lời cảnh báo.

Nếu như việc 7 người tử vong ở Lai Châu, thì ai nghĩ sau đó ở ngay Hà Nội lại cũng có thể ngộ độc rượu rởm là từ cồn công nghiệp? Nếu việc 9 sinh viên bị ngộ độc ở trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội thì quận này đã xác định ngay tung tích người bán, nơi sản xuất. Vậy phải chăng, chỉ có những địa chỉ này sản xuất rượu vô lương tâm như vậy. Chắc chắn là không. Vậy tại sao chỉ có lực lượng chức năng ở địa bàn này truy tìm?

Về tình trạng ngộ độc rượu, ThS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho báo điện tử Dân việt biết, ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện. Các trường hợp ngộ độc rượu phần lớn là nam giới, tuổi từ 40 - 50, được đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não. Ngay trước Tết nguyên đán vừa qua, ngày 18.1 có 3 trường hợp được đưa vào đây cấp cứu, xác định có hàm lượng methanol cao (hơn 120mg/dl) trong máu đều uống rượu cùng một khu vực gần BV 198 (Hà Nội). Mà lượng methanol là điển hình của loại rượu được “sản xuất” từ cồn công nghiệp và nước lã.

Kết quả kiểm tra vừa qua của các cơ quan chức năng của các địa bàn này cho thấy, những cơ sở sản xuất rượu rởm này “nấu” các loại rượu với đủ các mác kêu bằng cách pha nước lã với cồn công nghiệp và chất phụ gia!

…thực phẩm nhiễm độc

Nếu như thứ rượu rởm này có thể gây chết người đứ đừ vì quá chén, thì nhiều loại thực phẩm “bẩn” không gây chết ngay mà chết từ từ. Không chết ngay, bởi nó không thể uống nhiều như rượu mà thôi.

Tuy chậm hơn rượu, nhưng như đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh nói trên diễn đàn QH, “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế” được dư luận nói đến nhiều vì nó …quá đúng.

Đúng, bởi chính Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Cao Đức Phát, tại hội nghị toàn quốc về quản lý chất lượng nông lâm sản tại Hà Nội (ngày 5.11.2015) đã nói "Tôi lạnh cả xương sống khi biết hộ dân ở Bình Dương làm chuối chín bằng chất diệt cỏ. Đây không phải là vi phạm mà là tội ác. Không thể tưởng tượng được có người lại đang tâm làm như vậy. Nếu đứa trẻ mới sinh ra ăn phải miếng thịt hay nải chuối độc thì sẽ ra sao" (theo Vnexpress).

Nhưng với tôi, chẳng phải trẻ em, mà ngay cả người lớn, nếu sử dụng phải chúng thì nguy hại khôn cùng bởi nó không chỉ sinh ra các bệnh hiểm nghèo mà nó còn để lại hệ lụy cho vài thế hệ.

Hoặc như, ngày 16/11/2015,tại Cty TNHH thức ăn chăn nuôi Trường Phú (26/60 Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương), đoàn Bộ Nông nghiệp và Cục cảnh sát môi trường đã phát hiện Cty này dùng chất gây ung thư (Salbutamol) vượt 75 lần cho phép vào thức ăn cho gia súc…

Vậy, dư luận có quyền đặt ra: Đến khi nào thì các cơ quan chức năng có thể hạn chế tối đa được các loại thực phẩm mang theo các chất độc chết người này?

Vương Hà