Bạn đọc viết

Nghĩ về việc phải lột bỏ “nền kinh tế vỉa hè”

Ở đây đã có sự hạn chế về tầm nhìn tư duy, khi người ta từ chối con đường lớn phát triển kinh tế hiện đại gắn với văn minh đô thị, mà lại đi chọn "con đường đất" là nền kinh tế vỉa hè manh mún, hại nhiều hơn lợi.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

"Nền kinh tế vỉa hè" bắt đầu xuất hiện khi nhà nước ta bãi bỏ chế độ mậu dịch bao cấp, cho đa dạng hóa các thành phần kinh tế, tư nhân bắt đầu được tự do kinh doanh những mặt hàng pháp luật không cấm. Từ đó mà ở vỉa hè mặt đường thì nhà nhà kinh doanh, người người thất nghiệp cũng lao ra vỉa hè kiếm sống bằng nghề buôn gánh bán bưng.

Tuy kinh tế vỉa hè đem lại lợi ích nhóm cho một bộ phận dân số, nhưng hệ lụy của nó đến nay đã ngày càng chứng minh là vật cản đến sự phát triển của đất nước. Đó là một trong những nguyên nhân gây nên nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, mà tiêu điểm là thủ đô Hà Nội và tp Hồ Chí Minh. Đã có người kẻ bán thì tất có người mua. Ngay như một gánh hàng rong chỉ cần có độ vài ba người dừng xe xúm lại mua hàng, là đã chềnh ềnh ra đường vài cái xe đỗ lại góp phần đắc lực vào nạn ùn tắc giao thông, chứ chưa nói đến các chợ cóc, quán xá lộ thiên lớn thu hút cả một "bãi gửi xe" tràn ra đường. Nhà nhà, người người đua nhau ra chiếm dụng vỉa hè để làm nơi tụ tập kẻ bán người mua như vậy đã đủ để đường giao thông trở thành cái chợ trời, làm cho mạch máu giao thông phát triển đất nước bị tắc nghẽn. Thế nhưng người buôn bán, và cả cán bộ chính quyền sở tại nhiều nơi vẫn "vô tư" cùng hưởng lợi ích nhóm từ nền kinh tế vỉa hè này, mà không cần quan tâm đến chuyện gây hại cho quy hoạch đường thông hè thoáng, vốn là chính sách phát triển vĩ mô đúng đắn của nhà nước ra sao. Tư duy ăn xổi ở thì của "nền kinh tế vỉa hè" là như vậy.

Chưa hết, do lấn chiếm vỉa hè che khuất tầm nhìn của mọi người tham gia giao thông, "nền kinh tế vỉa hè" đã còn là một nguyên nhân đóng góp "tích cực" vào họa tai nạn giao thông ở đất nước này. Trong khi tầm nhìn đường thông hè thoáng là vô cùng quan trọng đối với người tham gia giao thông, có vai trò quyết định có thể xảy ra tai nạn hay không, thế nhưng "nền kinh tế vỉa hè" lại tích cực che bớt tầm nhìn của người điều khiển phương tiện đi đường. Hậu quả là tai nạn giao thông tất phải xảy ra

Và cũng phải thừa nhận rằng, nền kinh tế vỉa hè còn là đầu mối phân phối hàng rởm, hàng cấm, thực phẩm độc hại cho nhân dân, bởi nhà nước không thể quản lý được thứ chợ "cóc nhảy" này. Chưa nói đến, bộ mặt đô thị lớn đứng đầu cả nước như thủ đô Hà Nội và tp Hồ Chí Minh lại phải "trang trí" bằng chợ vỉa hè bát nháo, làm hạ thấp cả hình ảnh quốc gia trong con mắt bạn bè quốc tế khi đặt chân đến hai cửa ngõ này của đất nước.

Chính vì hậu quả tai hại của nền kinh tế vỉa hè đem lại như vậy, cho nên vừa qua thủ đô Hà Nội và tp Hồ Chí Minh đã quyết tâm quyết liệt dẹp loạn vỉa hè, trả lại đúng chức năng của nó trong kết cấu phát triển đô thị.

Thế nhưng trên thực tế hoạt động sự nghiệp đúng đắn này của chính quyền hai thành phố đã vấp phải nhiều sự không đồng tình từ những người làm kinh tế vỉa hè, và họ lúc nào cũng có thể sẵn sàng tái chiếm lại chỉ ngay khi lực lượng chức năng vừa quay gót đi. Thậm chí trên một số mặt báo đã xuất hiện những bài viết ca ngợi sự phát triển của nền kinh tế vỉa hè, rằng đó là đem lại lợi ích cho tất cả mọi người, nhà nước thu được thuế mà người dân cũng có chỗ mưu sinh cho gia đình. Và để phản đối, họ còn cho rằng việc lập lại trật tự vỉa hè làm mất đi nguồn sinh sống của những người nghèo, thì là thiếu nhân đạo. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng nếu nhà nước không thu phí vỉa hè thì sẽ có bảo kê nhẩy vào thu để cho phát triển kinh tế vỉa hè.

Trên thế giới và ở khu vực châu Á ngày nay, các nước ngày càng chạy đua vươn tới một nền kinh tế hiện đại, hội nhập toàn cầu, đòi hỏi phải có một hệ thống cơ sở hạ tầng tân tiến, quy hoạch văn minh. Thì nền kinh tế vỉa hè bát nháo ở Việt Nam rõ ràng là lối đi chệch hướng cho một nếp tư duy kinh tế tủn mủn, ăn xổi ở thì của nhiều người Việt Nam.

Như vậy là ở đây đã có sự hạn chế về tầm nhìn tư duy, khi người ta từ chối con đường lớn phát triển kinh tế hiện đại gắn với văn minh đô thị, mà lại đi chọn "con đường đất" là nền kinh tế vỉa hè manh mún, hại nhiều hơn lợi.

Và ở đây có một nguyên tắc mà người ta cần phải hiểu cho đúng. Việc chính quyền dẹp vỉa hè là để phục vụ lợi ích (giao thông) của nhân dân, song song với hoạt động sự nghiệp là dẹp loạn vỉa hè, chính quyền còn phải sắp xếp chỗ kinh doanh buôn bán của người dân vào hệ thống quy củ. Muốn đất nước Việt Nam trở nên giàu mạnh sánh ngang với các cường quốc năm châu, thì đương nhiên không thể phát triển đất nước bằng nền kinh tế vỉa hè manh mún được, mà phải bằng nền kinh tế hiện đại, quy hoạch tiên tiến, quy mô hội nhập quốc tế mới đem lại hiệu quả cao.

Cho nên, xóa bỏ nền kinh tế vỉa hè là rất cần thiết, coi như chúng ta "lột xác" lớp vỏ xấu xí bé xíu để mang một tầm vóc lớn mạnh hơn, đẹp đẽ hơn. Để lột xác thành công, thì tất cả mọi người, từ chính quyền đến người dân, cần phải dũng cảm và đồng lòng.

Phạm Mạnh Hà