Bạn đọc viết

Nghĩ về thác hoa tươi cao nhất Việt Nam ở Đồng Tháp

Đến bao giờ căn bệnh háo danh không còn tái diễn trên một vùng đất còn nghèo?

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Nhân "Tuần lễ du lịch Đồng Tháp năm 2017" diễn ra tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp cho đặt một thác hoa có chiều cao 12 mét, đường kính chân 19 mét tại công viên Sa Đéc với số tiền đầu tư lên đến 500 triệu đồng.

Nhớ lại cách đây đúng hai năm, tỉnh này cũng đã lập hai kỷ lục Việt Nam là tô hủ tiếu 1.000 người ăn và đòn bánh phồng tôm dài 2,2 m.

Dường như lập kỉ lục Việt Nam đã thành sở trường, sở đoản của Đồng Tháp. Cũng đúng thôi, sinh ra đời ai mà chẳng muốn đứng trên thiên hạ. "Ta là một, là riêng, là thứ nhất".

Thế cho nên chuyện lập được kỉ lục nhất nước hay nhất thế giới sẽ chẳng có gì đáng phàn nàn nếu như kỉ lục ấy là đích thực; là có ích cho đời, cho người; là niềm tự hào chân chính ví như anh em Quốc Cơ, Quốc Nghiệp đã làm vẻ vang người Việt trước sự thán phục của bầu bạn thế giới vừa rồi.

Dưng mà, lại dưng mà… Dư luận hẳn chưa quên tô hủ tiếu to nhất nước của Sa Đéc lập năm kia cho 1000 ngàn người ăn đã phải đổ đi vì bốc mùi sau một thời gian trưng bày trong khi hàng ngàn người dân nghèo phải chờ cứu đói vào dịp tết. Đắng lòng.

Tưởng như thế là đã "thấm" mùi kỉ lục. Nhưng không, năm nay Sa Đéc lại quyết tâm lập kỉ lục mới: Thác hoa cao nhất Việt Nam. Điều đáng buồn là trên cái thác hoa sừng sững ngốn hết 500 triệu đồng ấy, lại có cả hoa… giả.

Vậy là, không chỉ lãng phí vì cái sự to cao vô bổ, thác hoa còn lập có cả sự… giả. Lại liên tưởng đến chuyện bánh chưng năm nào được làm bằng xốp để dâng tiến lên vua Hùng. Những cái giả như thế, sao người ta vẫn cứ ham?

Trả lời cho câu hỏi đó lại phải giải những câu hỏi này: Ai là người thích kỉ lục? Ai là người thích danh hão? Đó không thể là người dân, những người một nắng hai sương làm ra lúa ra gạo, làm nên những vườn hoa đa sắc màu nổi tiếng của Sa Đéc.

Cái tháp hoa "kỉ lục" này không thể là "nơi gửi gắm tâm hồn của người dân phố hoa Sa Đéc" như một vị lãnh đạo tỉnh khẳng định. Không tin thì các vị cứ thử làm một cuộc thăm dò ý dân mà xem. Còn bảo nó "sẽ là điểm nhấn thu hút du khách" thì xin thưa, chẳng ai bỏ tiền bạc, thời gian để đến với Sa Đéc vì cái tháp hoa cho dù là hoa thật 100 phần trăm đi chăng nữa. Họ đến với Sa Đéc, với Đồng Tháp bởi những giá trị văn hóa đã được khẳng định qua thời gian lịch sử, bởi những gì đã thành thương hiệu do con người ở vùng đất này một nắng hai sương làm ra.

Có điều đáng bàn thêm ở đây là chi phí cho thác hoa. 500 triệu cho một cái thác hoa cao 12 mét được dựng bằng khung thép rồi treo các giỏ hoa lên. Đó không phải là một công trình nghệ thuật, càng không phải là sản phẩm của trí tuệ cao siêu. Người Đồng Tháp tự hào gì về cái thác hoa nửa tỉ này?

Cho nên bảo đây là một sự lãng phí, quả không sai. Nhưng nếu thác hoa được làm bằng hoa giả thì liệu rằng không chỉ là lãng phí nữa mà còn có thấp thoáng mối quan hệ khó nói thành lời không? Ấy là giả dụ vậy, bởi hoa giả thì cũng phải mua, phải đặt hàng. Giá có đội lên hai ba lần cũng chẳng sao, rút kinh nghiệm là êm thôi!

Và đến bao giờ căn bệnh háo danh không còn tái diễn trên một vùng đất còn nghèo?

Nguyễn Duy Xuân