Không để đồng tiền lũng đoạn trong ngành giáo dục!

(Dân trí) - Tôi vốn sinh ra ở đất học miền Trung, tốt nghiệp trường đại học kinh tế công lập tại Hà Nội năm 2003. Với tấm bằng cử nhân kinh tế loại khá, và sau đó tốt nghiệp thạc sỹ nhưng không thể len chân nổi vào các cơ quan nhà nước, chỉ vì không có tiền đút lót.

Hiện nay tôi làm kinh doanh riêng, đủ lo cho đời sống nhưng tôi muốn nói lên hiện trạng tiêu cực trong việc tuyển dụng công chức theo đúng nghĩa “có tiền mua tiên cũng được!”.

Tôi không khỏi ngậm ngùi nói về ước mơ ban đầu của mình, mong tốt nghiệp đại học loại khá rồi về quê xin dạy học hay làm việc gì đó

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

cho đúng chuyên ngành mình tốt nghiệp. Nhưng khi ra trường mới thấy nỗi lo lớn lao trước “cái uy” của đồng tiền trong thời buổi hiện nay. Muốn về tỉnh nhà xin dạy tại một trường trung cấp kinh tế, hay cao đẳng kinh tế hoặc bất kỳ trường nào ở tỉnh quê tôi (cũng như nhiều địa phương khác) đều phải có số tiền lớn để “bôi trơn” các khâu xét tuyển, thậm chí chuyện đó hầu như công khai.

Hiện nay, muốn xin vào dạy ở một trường cao đẳng kinh tế công lập ở tỉnh thì phải có khoảng 200-300 triệu đồng để vào biên chế luôn, không cần biết bằng cấp tốt nghiệp loại gì, khả năng dạy ra sao…thậm chí người ta còn trao đổi giá cả với nhau để mua bán việc làm, biên chế công chức. Theo thông lệ, người ta tuyển dụng theo số tiền xếp từ trên xuống, tiền nhiều hơn thì đỗ, tiền ít hơn thì trượt, không có tiền thì trượt ngay vòng đầu. Đóng nhiều tiền nhất thì chắc chắn được tuyển dụng, thậm chí không cần biết anh là ai, có người đi đóng tiền hộ, qua cò mồi nộp hồ sơ, đến khi thì công chức thì lãnh đạo nhà trường đã hầu như cho biết trước đề thi, thậm chí bảo làm dấu trong bài thi cho tiện nhận diện để chấm điểm cao.

Thiết nghĩ là một trường cao đẳng cũng gần như trường đại học là cái nôi đào tạo tri thức, nhẽ ra cần phải tuyển người cẩn thận, thu hút người có năng lực thật sự và đăng tuyển công khai, để nhiều người tham gia dự tuyển. Nếu cứ im ỉm tuyển chọn theo “phong bì”, cứ có nhiều tiền hơn là được tuyển dụng, thậm chí được vào ngay biên chế thì tất cả những trường hợp như vậy chỉ dành cho con nhà giàu có, đại gia, con ông cháu cha, còn không cần phải có năng lực thật sự, không cần học giỏi.

Những người có chức có quyền tuyển dụng đó bản thân họ cũng do có tiền nên chạy được bằng cấp, chạy được chức vụ. Tựu trung, chỉ khốn khổ cho con nhà nghèo, mặc anh học giỏi, siêng năng học hành, phẩm chất đạo đức tốt, đam mê việc giảng dạy, đam mê nghiên cứu khoa học…, nhiều người như vậy muốn cống hiến cho nền giáo dục, cho khoa học thì không tìm được việc làm chỉ vì “Họ không có tiền”. Không ít người phải ngậm đắng nuốt cay gác bằng đại học để đi làm công nhân kiếm tiền nuôi thân qua ngày và chịu mãi phận nghèo, chỉ tiếc cho họ khi học đại học thì ấp ủ bao nhiêu kỳ vọng thì lúc ra trường lại thất vọng bấy nhiêu. Cho nên, phải chăng học đại học cũng chẳng để làm gì, nếu muốn chạy việc (mua biên chế) được vào trường dạy chẳng hạn thì phải vay nợ, nhưng với số tiền hàng triệu đồng đối với người nông dân là một số tiền quá khủng khiếp, với mức lương đi dạy trong 10-15 năm chưa chắc đã trả xong nợ. Nếu bố mẹ đi vay để chạy việc cho con thì bố mẹ mang nợ cả đời; dù có bán cả nhà, cửa ruộng vườn cũng chẳng đủ 1 nửa số tiền đó. Đấy chính là một nghịch lý trong cuộc sống của người nông dân muốn vươn lên đẳng cấp trí thức trong xã hội! Vậy thì nền giáo dục Việt Nam cần phải phát triển theo hướng nào để đem lại lợi ích đích thực cho đa số người dân. Bên cạnh đó còn đòi hỏi sự chấn chỉnh nền nếp và kỷ cương của xã hội để không cho đồng tiền tác oai tác quái, nhất là trong việc tuyển dụng viên chức, bởi vì đội ngũ này mà tha hóa thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy đối với xã hội.

Không để đồng tiền lũng đoạn trong ngành giáo dục!

Tuyển dụng giáo viên toán theo phương pháp mới (nguồn ảnh Internet)

Thực tế đã cho thấy, sinh viên là sản phẩm đào tạo của những giáo viên chạy bằng tiền đó không thể nào có chất lượng, thậm chí viết một lá đơn xin việc cũng chẳng xong. Mặt khác, những giáo viên đã dùng tiền để chạy chọt vào biên chế thì họ lại có đủ các thủ đoạn cần thiết để lấy lại “số vốn” đã bỏ ra, vì thế mà sinh ra đủ các loại tiêu cực như mua, bán điểm và bằng cấp…Rốt cuộc xã hội phải gánh chịu hậu quả như thế nào khi đào tạo ra những học sinh, sinh viên như vậy, họ còn xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước hay không?

Tình hình tiếu cực nói trên đã làm cho đa số học sinh giỏi không còn muốn thi vào các trường sư phạm, điểm chuẩn của các trường này những năm gần đây rất thấp, chỉ 13-14 điểm, so với những năm trước là 20-27 điểm, đó là một thực tế thật đáng lo. Chúng ta luôn hô hào Giáo dục là quôc sách hàng đầu, hiền tài là nguyên khí của Quốc gia mà thực tế như vậy thì câu nói đó liệu có còn giá trị !? Đấy là một câu hỏi lớn không chỉ cho các nhà lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục, mà còn cho cả hệ thống bộ máy tổ chức cán bộ cũng như các nhà hoạch định đường lối chính sách ở cấp vĩ mô.

Liệu vấn nạn đó bao giờ sẽ được dẹp bỏ? Tại sao nền giáo dục của chúng ta ngày càng sa sút? Học sinh ngày càng lười học và chán học, có phải do chúng nhìn các tấm gương anh chị của chúng có cố gắng học giỏi cũng chẳng làm gì, chỉ cần có nhiều tiền thì sẽ…mua tiên cũng được! Mặt khác, chúng còn chán học vì đội ngũ giáo viên, giảng viên không có thực học, thực tài, lại thiếu tâm huyết thì làm sao có sức thu hút và cảm hóa được học trò để chúng say mê học tập?

Nên chăng, Đảng và Chính phủ cần có cơ chế giám sát thi tuyển công chức chặt chẽ, đặc biệt là giáo viên và đội ngũ các nhà quản lý giáo dục, hiệu trưởng các trường, thay đổi cơ chế thi tuyển và đãi ngộ giáo viên; tiến hành nghiêm túc việc thanh tra, kiểm tra các trường học, đặc biệt là các trường ở địa phương, để thật sự chuẩn hóa chất lượng đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên trẻ, từ đó tạo nền tảng cho việc phấn đấu nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Đồng thời kiên quyết đẩy lùi tình trạng tham nhũng trong giáo dục. Đấy là vấn nạn cần phải lên án mạnh mẽ và kỷ luật thật nặng đối với những kẻ ăn đút lót trong ngành giáo dục vì nó có thể làm hỏng nhiều thế hệ tương lai, và đó là nguyên nhân quan trọng làm xói mòn giá trị nhân văn, băng hoại giá trị đạo đức. Cần phải lập lại nền nếp, kỷ cương trong giáo dục, trước hết là chống tham nhũng trong việc tuyển dụng giáo viên và đề bạt cán bộ quản lý, trên cơ sở đó mà chấn chỉnh mọi mặt hoạt động của nhà trường, tập trung vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy và học, làm cho nền giáo dục nước nhà xứng đáng với vị trí “quốc sách hàng đầu”.

Nguyễn Trung Thực

LTS Dân trí - Bài viết trên đây phản ảnh đúng thực trạng ăn đút lót trong việc tuyển dụng giáo viên đang diễn ra phổ biến ở không ít địa phương. Không thể để tình trạng này tiếp diễn trong ngành giáo dục, một lĩnh vực hoạt động đòi hỏi vai trò mô phạm của người thầy cũng như những chuẩn mực về đạo đức, nhân cách của người quản lý để không gây ra những hậu quả xấu đối tới nhiều thế hệ học trò là chủ nhân tương lai của đất nước.

Đáng tiếc là tình trạng tuyển dụng giáo viên nói riêng cũng như công chức nói chung đã bộc lộ rõ sự tha hóa, biến chất về nhân cách và đạo đức của những cán bộ, đảng viên có quyền quyết định việc tuyển dụng, nhưng hầu như họ vẫn yên vị ở chức vụ lãnh đạo, quản lý.

Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng Đảng và chấn chỉnh công tác cán bộ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, chúng ta có điều kiện thuận lợi đấu tranh với mọi biểu hiện tiêu cực trong công tác cán bộ cũng như kiên quyết đẩy lùi tệ nạn tham nhũng trong công tác cán bộ và tuyển dụng công chức. Thấm nhuần tinh thần đó, ngành giáo dục cần kiên quyết lập lại nền nếp, ký cương trong mọi hoạt động, sớm chấn chỉnh công tác cán bộ cũng như tuyển dụng giáo viên đúng những người có năng lực và tâm huyết nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà.