Bạn đọc viết

Không có học sinh hư, chỉ có học sinh chưa ngoan.

(Dân trí) - ranh giới giữa học sinh hư và học sinh chưa ngoan lại rất gần. Vậy làm thế nào để giúp những học sinh chưa ngoan trở lại thành học sinh ngoan,


Trở thành con ngoan trò giỏi là niềm mong ước cuả tất cả học sinh đi học. Đó cũng là niềm mong mỏi của cha mẹ, thầy cô giáo đối với các em.

Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Nhưng nhiều khi, do những biến đổi tâm lý dẫn đến những suy nghĩ và việc làm dại dột, các em bị coi là học sinh chưa ngoan. Mà ranh giới giữa học sinh hư và học sinh chưa ngoan lại rất gần. Vậy làm thế nào để giúp những học sinh chưa ngoan trở lại thành học sinh ngoan, ngăn chặn nguy cơ các em trở thành học sinh hư là điều băn khoăn của chúng ta, nhất là những người làm công tác giáo dục.

Theo từ điển, “hư” là biểu hiện của một sự vật hiện tượng sắp hỏng hoàn toàn không thể cứu vãn nổi. Hiểu theo cách đó, học sinh hư là những học sinh không thể có cách gì giáo dục được, là con người bỏ đi. Nếu ở mức độ vẫn có thể dùng các biện pháp giáo dục để cải tạo các em trở thành người tốt, được gọi là học sinh chưa ngoan. Trong nhà trường gọi những học sinh chưa ngoan ấy là học sinh cá biệt.

Trẻ em khi mới ra đời, tâm hồn như tờ giấy trắng. Nếu được sinh ra và lớn lên trong môi trường tốt thì sẽ trở thành con người tốt. Ngược lại, nếu được trưởng thành trong môi trường xấu rất dễ trở thành chưa ngoan và dẫn đến hư hỏng. Có những khi lớn lên trong gia đình đầy đủ vật chất nhưng trẻ vẫn dễ hư hỏng, có những em vật chất thiếu thốn nhưng cách giáo dục tốt sẽ trở thành con người tốt. Yếu tố gia đình quyết định nhiều đến tâm tư tình cảm và việc hình thành nhân cách của trẻ.

1. Nguyên nhân dẫn đến học sinh chưa ngoan.

Phần lớn các em học sinh cá biệt đều rơi vào một trong những trường hợp sau:

Gia đình có hoàn cảnh éo le, không hạnh phúc: Cha mẹ lục đục, bỏ nhau, hoặc cha mẹ vướng vào cờ bạc rựou chè không làm gương tốt cho con cái. Có những gia đình nuông chiều con quá mức, bênh con thái quá khi người khác mách những thói hư tật xấu cuả con. Họ sĩ diện trước người khác, cho rằng những ai mách thói xấu cuả con họ đều không có ý tốt. Thế nên con cái họ càng được đà làm tới dẫn đến hư hỏng lúc nào không biết. Có những gia đình giàu có nhưng do cha mẹ quá mải mê kiếm tiền, họ cứ nghĩ chỉ cần đáp ứng mọi nhu cầu vật chất cuả con mà không cần tìm hiểu lý do tiêu tiền, thiếu hẳn sự quan tâm đến con. Lại có những gia đình trí thức mà cha mẹ do quá mải mê công việc nên thiếu đi sự làm bạn gần gũi với con. Mọi thứ đều phó mặc cho gia sư, khoán trắng cho ô sin. Các em thiếu hẳn người để sẻ chia tâm sự

Về phía nhà trường: Một số thầy cô quá chú trọng vào dạy chữ, sao nhãng dạy người. Một số giáo viên không chịu tìm hiểu hoàn cảnh, không đi sâu đi sát, nắm vững những biểu hiện bất thường về tâm lý, hành động. Hoặc do ngại mất thời gian, thiếu chữ tâm nên chưa gần gũi quan tâm đến các em.

Trong xã hội: Tình trạng nghèo đói vẫn còn khiến một số trẻ bị đẩy ra đừơng kiếm sống khá sớm. Những tâm hồn non nớt sớm bị lôi kéo cuả các băng nhóm tụ điểm dẫn đến vi phạm pháp luật là rất gần.

2.Biểu hiện cuả học sinh chưa ngoan (học sinh cá biệt):

Học sinh cá biệt có rất nhiều biêủ hiện trong học tập, tu dưỡng. Có những em tiếp thu bài nhanh nhưng lại vô lễ về ý thức. Có những em ở trường không có biểu hiện hỗn láo nhưng lại rất lì và về gia đình thì cãi hỗn người lớn… Bất cứ biểu hiện như thế nào, các em thường thể hiện rõ trong các môi trường giáo dục như sau:

Ở trường: Ban đầu là biểu hiện lười học dẫn đến hổng kiến thức, rồi sợ học và trốn học (có thể trốn một số tiết ở một vài môn học nào đó thành hệ thống). Nặng hơn nữa là kết giao chơi bời với bạn bè xấu, vô lễ với thầy cô, hay gây gổ với bạn bè (Có em còn thể hiện mình là “đại ca” cuả lớp, hoặc đứng đầu một nhóm bạn và cùng bắt nạt các bạn khác theo kiểu băng nhóm xã hội đen). Những học sinh này thường xuyên vi phạm kỷ luật, đa số xếp loại hạnh kiểm trung bình hoặc yếu. Ít nhất có vài lần được gọi lên làm kiểm điểm nhưng chưa sửa chữa hoặc chuyển biến rất chậm.

Trong gia đình: Thường không vâng lời cha mẹ, hỗn láo với người lớn, tiêu tiền nhiều mà không nói rõ lý do. Có những em đòi hỏi trong chi tiêu mua sắm, nếu không được đáp ứng thì bỏ nhà ra đi hoặc dọa tự tử… Nặng hơn là bị một số bạn bè xấu lôi kéo vào con đường nghiện hút, mắc tệ nạn xã hội.

Những học sinh trên đều được gọi là học sinh cá biệt. Từ những học sinh chưa ngoan các em dễ trở thành học sinh hư (không thể giáo dục được mà phải đưa vào trường giáo dưỡng).

3. Biện pháp giáo dục học sinh chưa ngoan

Người viết bài này đã gặp một trường hợp tương đối khó xử như sau: Em Q. là học sinh lớp 8. Sinh ra trong một gia đình có 4 chị gái, có mình em là “cậu ấm” nên được bố mẹ nuông chiều. Từ nhỏ em luôn là một học sinh chậm tiến về đạo đức (mặc dù tiếp thu rất nhanh). Cô giáo chủ nhiệm đã nhiều lần mời gia đình đến nhắc nhở, nhưng chỉ được vài hôm rồi lại đâu vào đấy. Gần đây, em vô lễ với cô giáo dạy văn khiến cô bức xúc mà yêu cầu em ra khỏi lớp. Em về nhà khóc lóc và nói thế nào mà cả bà và mẹ đều ra trường, xúc phạm cô giáo thậm tệ khiến bảo vệ phải yêu cầu ra ngoài. Sau khi hỏi rõ ngọn ngành, tối quyết định mời gia đình em và cô giáo bộ môn làm việc. Khi em đọc kiểm điểm, mới rõ em về nói “cô giáo đánh và đuổi học” để gia đình hiểu lầm. Cô giáo bộ môn rất bất bình vì bị xúc phạm đã đề nghị nhà trường đuổi học em. Nhưng tôi thấy đây không phải là học sinh bỏ đi, mà chỉ là chưa ngoan do được nuông chiều thái quá. Tôi quyết định trước mắt cho em thử thách 1 tuần ngồi riêng một bàn cuối lớp chép bài, và cuối mỗi giờ đều phải yêu cầu thầy cô bộ môn ký xác nhận vào vở. Một mặt tôi gặp riêng bố em trao đổi, nói sao để ông hiểu chiều con quá là gây cho con tư tưởng “mình là nhất” dẫn đến hư hỏng, yêu cầu ông phối hợp bằng cách cung cấp số điện thoại cuả gia đình tới tất cả thầy cô bộ môn lớp đó, nếu em vi phạm là gọi ra trao trả. ( Mong ông hiểu đấy là biện pháp kết hợp giáo dục chứ không phải ghét bỏ em). Ông đã làm đúng như lời. Tôi cũng yêu cầu gia đình xin lỗi cô giáo về sự xúc phạm và động viên cô giáo bộ môn hãy mở đường cho trò… Và quả thật, sau 2 tháng, từ một học sinh cá biệt nhiều năm, em Q. đã học khá hơn, các giờ học đã xung phong phát biểu. Giờ đây đã là một thầy giáo, hàng năm đến thăm tôi, em vẫn nhắc lại kỷ niệm dại dột xưa như một bài học , và đó cũng là lý do em chọ nghề sư phạm. Đấy, nếu chúng ta không rộng lòng tha thứ và tìm biện pháp giáo dục thích hợp thì rất dễ đẩy một học sinh chưa ngoan thành học sinh hư.

Đối với học sinh chưa ngoan, do nguyên nhân chính là thiếu thốn tình cảm và sự gần gũi yêu thương cuả cha mẹ, người thân, nên biện pháp giáo dục chủ yếu là tâm lý. Rộng lòng tha thứ, tạo cơ hội để các em phấn đấu phục thiện là phương châm các nhà giáo dục nên thực hiện. Thầy cô cần giúp học sinh tìm lại được sự đồng cảm, khiến các em có thể tin tửơng mà dốc bầu tâm sự. Trước hết cần nắm vững hoàn cảnh các em, quan tâm đến những em có hoàn cảnh gia đình tương đối đặc biệt. Khi thấy các em có những biểu hiện bất thường về tâm lý như buồn chán, hay tách riêng một mình hoặc đột ngột nghỉ học không rõ lý do. Có những em bất ngờ ăn diện khác người ( Đặc biệt là các em nữ)… Giáo viên nên gần gũi hỏi han để nắm vững tình hình. Nếu chúng ta thực sự coi các em là bạn, hãy gợi mở để các em tin tưởng mà tâm tình và cùng tháo gỡ. Khi các em đã tin tưởng, tất sẽ có những hỏi han cần sự chỉ bảo, lúc này thầy cô nên khuyên bảo chân thành như những nhà tâm lý. Có bí mật gì của các em mà chúng không muốn nhiều người biết thì ta nên giữ kín đúng như lời hứa, tạo cơ hội cho các em phấn đấu. Bên cạnh đó, cần dõi theo sự tiến bộ cuả các em, ghi nhận những cố gắng của trò, khuyên nhủ động viên để khuyến khích các em tiếp tục rèn luyện mình hơn. Khen ngợi kịp thời khi có dấu hiệu tốt, nhắc nhở uốn nắn ngay những biểu hiện muốn quay lại con đường cũ. Giáo viên chủ nhiệm nên nắm vững hoàn cảnh trong lớp, quan tâm đến những em có hoàn cảnh đặc biệt để gần gũi động viên. Giáo viên chủ nhiệm phải coi mình như một người mẹ thứ hai. Vì đa số các em chưa ngoan rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, thiếu đi sự quan tâm gần gũi cần thiết, nên giáo viên chủ nhiệm còn phải giữ vai trò như là một người bạn để chia sẻ động viên kịp thời. Thực tế cho thấy, có những em dám nói hết mọi chuyện với thầy cô mà trong khi cũng chuyện đó lại không dám thổ lộ với bố mẹ. ( kể cả chuyện tình cảm đầu đời, kể cả chuyện gia đình…) thầy cô nên có những lời khuyên chí tình xác đáng. Cũng không nên bắt các em theo một hướng nào đó, mà chỉ nói “để em tham khảo, suy xét xem nên làm thế nào thì hơn”.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên phối hợp với gia đình, xã hội (nếu thấy các em có biểu hiện bị rủ rê lôi kéo thì có biện pháp ngăn chặn kịp thời). Nếu ngăn chặn kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ học sinh chưa ngoan trở thành học sinh hư, và giúp các em chưa ngoan nhanh chóng phục thiện.Thực tế không ít những học sinh “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”: Sống trong gia đình, môi trường phức tạp mà vẫn học giỏi, có ý thức rèn luyện. Nhưng một điều quyết định là thầy cô phải tận tâm, môi trường giáo dục tốt.

Làm nghề dạy học ai cũng muốn học trò mình ngoan ngoãn. Nhưng nếu có học sinh chưa ngoan thì phải dùng biện pháp giáo dục thích hợp để “chữa” cho những học sinh đó trở thành học sinh ngoan, chớ vội “đẩy “ các em vào những định kiến cuả mình để bỏ mặc chúng trượt dốc thành học sinh hư. Tất nhiên việc này đòi hỏi mất nhiều công sức và thời gian cùng với cái tâm của nghề nghiệp, nhưng đó là trách nhiệm cuả tất cả những người lớn mà nhà trường phải là nơi chủ chốt trong việc giáo dục học trò trở thành trò ngoan.

Nguyễn Thị Diệp

Hiệu trưởng THCS Di Trạch - Hoài Đức- Hà Nội