Bạn đọc viết

Chuyện thật mà như bịa?

Chuyện một người 6 tháng, tức khoảng 180 ngày mà khám được 319 lần thì chỉ có thông đồng với ai đó? Nên đừng trách bệnh nhân. Trách cơ sở y tế trước.


Minh họa; Ngọc Diệp

Minh họa; Ngọc Diệp

Tại TP. Hồ Chí Minh, Bảo hiểm xã hội TP tiến hành xác minh thông tin của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển về, qua đó cho thấy từ tháng 6/2016 đến ngày 16/01/2017 có 29 bệnh nhân đi khám bệnh rất nhiều lần (thấp nhất 49 lần, cao nhất 319 lần) ở nhiều bệnh viện.

Chuyện một người dày công đi khám bảo hiểm đến 319 lần chỉ trong vòng 6 tháng đã mang lại nhiều cho dư luận nhiều ý kiến trái chiều, nhưng cũng cho ta điều đáng suy ngẫm.

Riêng tôi thấy việc này hơi bị hư cấu, bệnh nhân đó là ai, tên gì, đi khám bệnh 319 lần mỗi lần có ghi sổ sách bệnh đầy đủ không, hay là có bệnh viện nào đó bày trò để lấy tiền bảo hiểm?

Đơn giản, Mẹ tôi bị té, đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu, loay hoay cũng mất hơn 8 tiếng mới chụp được phim, bác sĩ nói là bị gãy cổ xương đùi, sau đó làm giấy chuyển viện lên bện viện tỉnh. Từ 4 giờ sáng tôi phải đưa mẹ tôi đến bệnh viện tỉnh xếp hàng lấy số tới 9 giờ mới được kêu số, lên nộp giấy tờ, sau khi xem xét giấy tờ, các cô lại in cho một số khác và chỉ đi tìm khoa chấn thương chỉnh hình (CTCH), đến khoa CTCH lại chờ tới 11 giờ mới vào gặp bác sĩ, sau khi xem phim do bệnh viện huyện chụp, rồi sờ sờ chổ đau, bác sĩ ghi cho cái phiếu để đi chụp phim lại. Qua chỗ khoa chụp phim là đúng giờ nhân viên nghỉ trưa nên phải chờ tới 2 giờ chiều mới bắt đầu lấy số và tới phòng chụp x-quang tiếp tục chờ. Chờ tới 3 giờ 25 chiều thì mới được gọi vào phòng chụp. Sau khi chụp xong, thì quay lại khoa chụp phim chờ để lấy phim mất khoản 45 phút. Sau khi lấy được phim, thì qua lại gặp bác sĩ khoa CTCH để đọc phim. Cuối cùng bác sĩ phán: Gãy cổ xương đùi, ngày mai quay lại làm thủ tục nhập viện. Ra khỏi bện viện là gần 6 giờ chiều. Vậy xin hỏi thời gian đâu mà 1 ngày đi khám bệnh 3 - 4 bệnh viện?

Có người nói: “Giờ mới lộ diện ra thêm một vấn đề nữa đó là bác sĩ định bệnh rất qua loa và cứ thế ghi toa thuốc. Nên quản lý chặt từ cả hai phía và đừng đổ lỗi cho người đi khám không. Và xin lỗi các cán bộ bảo hiểm: Chẳng ai khám được 319 lần/6 tháng ở 21 bệnh viện khác nhau. Rất khó. Cần điều tra cán bộ thanh toán bảo hiểm xem có chuyện lập hồ sơ khống dựa trên hồ sơ bệnh nhân để rút tiền. Đối chất chặt chẽ giữa người bệnh và cơ quan thanh toán bảo hiểm”.

Hãy thành thật với nhau rằng, người ta mua bảo hiểm thì họ được quyền đi khám bao nhiêu lần nếu như họ có nhu cầu, bù lại có những người mua bảo hiểm y tế (BHYT) 15 năm, 20 năm không đi khám lần nào. Tôi tin số người không đi khám BHYT vẫn nhiều hơn số người đi khám. Vậy nên cơ quan BHYT đừng vin vào số ít đó mà nói bể quỹ.

Kẻ hở của BHYT tạo ra cho người ta lợi dụng thì BHYT phải chịu trách nhiệm. Thời đại công nghệ rồi mà việc nối mạng nội bộ hệ thống cung cấp dịch vụ của mình mà cũng không làm được thì trách ai! Chuyện đơn giản nhất là tạo cơ sở dữ liệu toàn quốc, các bệnh viện đều nối mạng thì khi một bệnh nhân đi khám bệnh chỉ cần kiểm tra mã BHYT trên thẻ sẽ biết bệnh nhân ngày hôm đó, tuần đó đã khám ở đâu, bao nhiêu lần. Thiết nghĩ chuyện đơn giản vậy sao không làm?

Chuyện một người 6 tháng, tức khoảng 180 ngày mà khám được 319 lần thì chỉ có thông đồng với ai đó? Nên đừng trách bệnh nhân. Trách cơ sở y tế trước.

Lầu Thanh