Cần xử lý thật nghiêm với những người gây án oan

Phải chăng, vì đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên những cán bộ tiến hành tố tụng cố xử cho bằng được. Thực tế, nhiều vụ án oan sai đã minh chứng cho nghi vấn này, mà vụ án quán cà phê Xin Chào và vụ án Chòi Vịt là minh chứng cụ thể nhất.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Các thông tin trong các bài “ Người bị đại tá Quý khởi tố được tuyên vô tội ”; “Thêm một vụ án ‘kinh doanh trái phép’ bị đình chỉ”… khiến dư luận không khỏi giật mình. Bởi lẽ, tại sao vụ án vi phạm nghiêm trọng tố tụng như thế lại có thể diễn ra cả ở cấp sơ thẩm lẫn phúc thẩm ngay ở TP. Hồ Chí Minh? Vấn đề đặt ra là, nên xử lý những người cố tình gây án oan sai này như thế nào để thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật?

Khởi tố không có căn cứ

Là hộ có giấy phép kinh doanh, nhưng ông Nguyễn Văn Thành (66 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM, đại diện hộ kinh doanh Trường Thành tại H.Bình Chánh) lại bị công an huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh khởi tố về tội “kinh doanh trái phép” đối với 12 tổ máy phát điện ( không thuộc mặt hàng cấm kinh doanh) đã qua sử dụng. Người ký quyết định khởi tố, đề nghị truy tố ông Thành là ông Nguyễn Văn Quý- nguyên Trưởng công an huyện Bình Chánh; còn người ký cáo trạng truy tố là ông Lê Thanh Tòng, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND H.Bình Chánh. Cả hai người này đã ký các quyết định gây oan sai trong vụ án cà phê Xin Chào, vụ án Chòi Vịt (ở huyện Bình Chánh) gây bức xúc dư luận trong năm 2016.

Nhưng khác với hai vụ án trên, vụ án hình sự “kinh doanh trái phép” này đã được tòa án huyện Bình Chánh thụ lý. Khi được tòa án trả lại yêu cầu điều tra bổ sung, không làm rõ được hơn, cơ quan điều tra lại đi điều tra 17 lần mua bán máy phát điện trước đó nhiều năm của ông Thành.

Từ kết quả điều tra bổ sung này, bắt đầu lộ rõ những việc làm sai trái của các cơ quan tiến hành tố tụng vụ án này ở hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm.

Cụ thể, VKS của huyện Bình Chánh chấp nhận việc điều tra bổ sung, còn tòa án huyện nhận định bị cáo Thành phạm tội kinh doanh trái phép đối với 17 tổ máy phát điện, tuyên phạt 1 năm tù treo. Đối với 12 tổ máy phát điện bị niêm phong trước đó, HĐXX nêu, các cơ quan tố tụng không đưa ra được bằng chứng để chứng minh bị cáo đã bán và sẽ bán 12 tổ máy này nên không đủ căn cứ để buộc tội bị cáo; đồng thời, tòa tuyên trả lại 12 tổ máy phát điện do không liên quan tới vụ án.

Tuy nhiên, VKS huyện Bình Chánh lại đề nghị cấp phúc thẩm xử theo hướng tịch thu sung công quỹ 12 tổ máy phát điện cũ. Bản án phúc thẩm tuyên y án, trả lại 12 tổ máy đang bị tạm giữ cho ông Thành.

Sai phạm nghiêm trọng

Thấy vụ ông Nguyễn Văn Tấn, chủ quán cà phê Xin Chào được minh oan, lúc này ông Thành mới mạnh dạn làm đơn gửi Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm vì ông cho rằng mình không phạm tội.

Thụ lý hồ sơ, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đã chỉ rõ: Cả 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm vi phạm cả về mặt thủ tục tố tụng lẫn nội dung.

Cụ thể, cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đề nghị VKS truy tố ông Thành về tội “kinh doanh trái phép” đối với 12 tổ máy phát điện nhưng hành vi này sau đó không bị xét xử vì không đủ căn cứ.

Nhưng, Viện KSND H.Bình Chánh và tòa lại truy tố, xét xử ông Thành về hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện, dù chưa được Cơ quan CSĐT Công an H.Bình Chánh khởi tố vụ án hình sự. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.

Mặt khác, trong 17 tổ máy phát điện mà ông Thành bán, có tổ máy từ lúc bán đến thời điểm bị phát hiện đã quá 5 năm, hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng VKS và tòa án vẫn đem ra truy tố, xét xử !?

Ngày 10.2.2017, Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKS, hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm và đình chỉ vụ án theo hướng ông Thành không phạm tội.

Như vậy, một hộ kinh doanh nữa đã được minh oan. Nhưng những câu hỏi không thể không đặt ra: Không khởi tố vụ án mà vẫn truy tố, xét xử lẽ nào các vị tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án này không biết yêu cầu tối thiểu của Bộ Luật TTHS? Lẽ nào, tại thời điểm điều tra, truy tố, xét xử thì hành vi mua bán 17 tổ máy phát điện của ông Thành không bị coi là vi phạm pháp luật hình sự họ cũng không biết?...

Do đó, dư luận có quyền đặt câu hỏi tiếp: Phải chăng, vì đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nên những cán bộ tiến hành tố tụng cố xử cho bằng được. Thực tế, nhiều vụ án oan sai đã minh chứng cho nghi vấn này, mà vụ án quán cà phê Xin Chào và vụ án Chòi Vịt là minh chứng cụ thể nhất.

Vì vậy, dư luận rất mong các cơ quan chức năng phải xử lý thật nghiêm minh với những đối tượng đã gây ra án oan sai này, kể cả xử lý hình sự. Bởi lẽ, hậu quả của các vụ án này gây ra cho xã hội là rất lớn.

Vương Hà