Startup Việt làm thế nào để vươn ra “biển lớn”?

(Dân trí) - Bà Amy Kunrojpanya, Giám đốc Chính sách và Truyền thông, Uber Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam là một thị trường tài năng, có nhiều lợi thế để phát triển và khởi nghiệp. Nếu biết tận dụng các lợi thế này thì trong tương lai không xa Việt Nam sẽ sớm trở thành “một quốc gia khởi nghiệp”.

Sau hơn 10 năm kể từ khi làn sóng khởi nghiệp hình thành ở Việt Nam, cho đến nay tinh thần khởi nghiệp đã lan rộng với kỷ lục hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới trong “Năm khởi nghiệp 2016”. Với quyết tâm của Chính phủ, Việt Nam đang trở thành thị trường khởi nghiệp hấp dẫn nhà đầu tư. Bản thân bà đánh giá như thế nào về tiềm năng của các doanh nghiệp Startup Việt?

Các Startup Việt Nam là những nhà giải quyết vấn đề một cách vô cùng sáng tạo. Các bạn có tầm nhìn và có quyết tâm để đưa đất nước mình trở thành “một quốc gia khởi nghiệp”. Tôi cảm thấy đó là một tham vọng táo bạo nhưng đây là điều cần thiết để Startup Việt thành công. Người tiêu dùng Việt rất cởi mở với công nghệ, ngay cả với những công nghệ chưa từng được biết đến vẫn được họ đón nhận, sử dụng và phát triển. Có thể nói, so với các nước trong khu vực, Việt Nam là một thị trường tiềm năng và có nhiều lợi thế để các doanh nghiệp khai thác, tận dụng. Bản thân Uber cũng là một doanh nghiệp khởi nghiệp.

Chúng tôi bắt đầu hoạt động vào năm 2010 chỉ với vài chiếc xe và rất ít nhân viên. Tuy nhiên, sau 7 năm hoạt động, Uber hiện đang là công ty khởi nghiệp có quy mô lớn nhất và được định giá cao nhất tại Thung lũng Silicon Valley cũng như trên toàn cầu, với sự hiện diện tại hơn 500 thành phố trên 74 quốc gia. Chúng tôi cũng mong muốn Việt Nam trở thành một trung tâm công nghệ trên thế giới vì thế Uber cũng đang triển khai các chương trình để giúp đỡ các doanh nghiệp Việt xây dựng thương hiệu cho mình.

Bà Amy Kunrojpanya, Giám đốc Chính sách và Truyền thông, Uber Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam là một thị trường tài năng, có nhiều lợi thế để phát triển và khởi nghiệp.
Bà Amy Kunrojpanya, Giám đốc Chính sách và Truyền thông, Uber Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng Việt Nam là một thị trường tài năng, có nhiều lợi thế để phát triển và khởi nghiệp.

Thực tế, dù phong trào khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển khá mạnh mẽ nhưng sự xuất hiện của những Startup quy mô lớn vẫn chưa thực sự nhiều. Theo bà, điều gì khiến các Starup Việt chưa tạo được bứt phá và xây dựng thành công thương hiệu cho mình?

Tôi thấy lợi thế lớn nhất của các doanh nghiệp Starup Việt là họ tương tác với nhau rất tốt như một cộng đồng lớn vậy. Các doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ và cạnh tranh một cách công bằng chứ không cố gắng để loại bỏ nhau. Ngoài ra, các bạn còn có lợi thế ở tinh thần lao động rất tuyệt vời như: chăm chỉ, sáng tạo và luôn tìm được những cơ hội mới để phát triển. Điều đó bắt nguồn từ chính sự đam mê với công việc, khao khát thành công và chinh phục những thử thách mới. Các bạn không chỉ học hỏi ở trong nhà trường, xã hội mà còn tìm hiểu các kinh nghiệm, thành công ở các doanh nghiệp nước ngoài. Các bạn dám thử thách cái mới nhưng luôn thực tế và không sợ hãi. Đó chính là những lợi thế tuyệt vời mà chỉ các Startup Việt Nam mới có.

Tất nhiên những doanh nghiệp trẻ thì cũng không tránh khỏi việc thiếu kinh nghiệm. Từ đó chúng tôi muốn giúp đỡ các doanh nghiệp trẻ với những gì họ thiếu. Uber đang triển khai chương trình UberEXCHANGE tại Việt Nam. Đây là một chương trình định hướng khởi nghiệp, cung cấp hướng dẫn thực tiễn cho các doanh nhân triển vọng tại Việt Nam trong việc đối mặt với các khó khăn như: tìm hiểu thị trường, huy động vốn, thiết kế sản phẩm, các vấn đề kỹ thuật, mở rộng quy mô ... Chúng tôi mong muốn xây dựng nền tảng để doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam học hỏi, truyền cảm hứng đưa họ đến với những thành tựu của thung lung Sillicon – một trung tâm công nghệ thế giới. Từ đó tạo ra hành trang vững chắc để họ phát triển mạnh mẽ và bền vững trong tương lai.

Nhiều doanh nghiệp Startup Việt cho biết họ gặp khó khăn trong việc kêu gọi vốn cũng như cách quản trị doanh nghiệp, xây dựng thương hiệu cho mình. Theo bà đây có phải là khó khăn chung của các doanh nghiệp khởi nghiệp? Từ kinh nghiệm của mình, bà có thể chia sẻ điều gì về vấn đề này?

Việt Nam có khoảng 1.800 công ty Startup, vì vậy tôi nghĩ họ không thiếu ý tưởng mà họ cần cách để chúng có ảnh hưởng lớn, phát triển mạnh mẽ, phục vụ được nhiều đối tượng trong xã hội. Hơn nữa thị trường Việt Nam cũng rất cởi mở, có rất nhiều tiềm năng để thị trường nước ngoài ghen tị. Các doanh nghiệp thường sẽ không hỏi về vốn mà tôi nghĩ vấn đề lớn nhất họ gặp phải là việc xây dựng thương hiệu, xuất khẩu quốc tế, quản trị tài chính, nhân sự cũng như việc sử dụng các nguồn lực một cách thông minh và sáng tạo nhất.

Chính vì thế, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp sắp tới của chúng tôi sẽ hỗ trợ họ điều này. Sẽ có rất nhiều các chuyên gia, lãnh đạo trên thế giới đến để chia sẻ kinh nghiệm, bài học thất bại để giúp các doanh nghiệp trẻ của Việt Nam có thể tăng tốc trong kinh doanh cũng như đạt được nhiều thành tựu lớn mạnh hơn.

Xin cảm ơn bà!

H.T (ghi)