Kiểm soát quyền lực

Góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, hầu hết các nhà nghiên cứu đề cập vấn đề phải kiểm soát quyền lực nhà nước.

Mọi người đều dễ dàng công nhận: Quyền lực không bị kiểm soát thì nảy sinh lạm quyền; lạm quyền đẻ ra tham nhũng; tham nhũng kích thích lạm quyền. Để kiểm soát quyền lực thì phải phân quyền (decentralize), một thuật ngữ phổ biến về nhà nước pháp quyền. Đến đây, có hai điều ngộ nhận cần được làm rõ: Phân quyền có trái với quyền lực nhân dân là thống nhất? Phân quyền có làm mất đi quyền lãnh đạo của Đảng?

Nhà nước của dân, do dân, vì dân, nó là công cụ của dân, do đó phân quyền là để kiểm soát quyền lực, chống lạm quyền, đang diễn ra trong thực tế. “Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy… Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật” (Văn kiện ĐH 11), tức là giống như mọi đảng cầm quyền trên thế giới, lãnh đạo bằng đường lối, chính sách chứ không phải cầm tay chỉ việc đối với nhà nước.

Nhà nước pháp quyền là thành tựu của quá trình tìm kiếm hàng nghìn năm hình thức quản lý xã hội của nhân loại.

Nó không chỉ là pháp trị mà còn kiểm soát quyền lực, phòng, chống sự lạm quyền, bảo vệ công lý, đạo đức trong một xã hội do nhân dân làm chủ. Phải phân quyền thì mới ngăn chặn được lạm quyền. Do đó, một trong những lý thuyết gia lớn về nhà nước pháp quyền viết: “Ở đâu áp dụng nguyên tắc phân quyền thì ở đó có nhà nước pháp quyền”. Nội dung phân quyền và kiểm soát, hạn chế quyền lực được ghi rành mạch trong hiến pháp, đảm bảo: Chống sự tùy tiện của quyền lực một cách hữu hiệu; đảm bảo cho mọi người, dân thường cũng như quan chức đều bình đẳng trước pháp luật; các quy định trong hiến pháp không phải là nguồn gốc mà là cụ thể hóa các quyền tự do tạo hóa ban cho con người.

Quyền lập pháp của Quốc hội bị hạn chế bởi tuyệt đối không được vi hiến. Nếu lập pháp vi hiến thì cũng trở thành đối tượng xét xử của quyền tư pháp. Quyền lực hành pháp thường xuyên tác động đến từng công dân, cho nên mọi hoạt động chỉ được làm theo quy định của pháp luật. Pháp luật phải đủ buộc cả hệ thống hành pháp làm người phục vụ, chứ không phải là cai trị.

Quyền lực tư pháp cũng bị hạn chế bởi việc tuân thủ pháp luật. Được coi là thành trì của tự do, tòa án có trách nhiệm ngăn chặn, xét xử nghiêm minh mọi hành vi lạm dụng quyền lực. Để làm được điều đó, đòi hỏi tư pháp trong nhà nước pháp quyền phải độc lập. Đây là chỗ yếu mà hệ thống tư pháp đang lộ rõ, chương trình cải cách tư pháp đến năm 2020 phải cố gắng khắc phục.

Một nhà nước phân quyền, kiểm soát quyền lực, mới thực hiện được điều mà Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gọi là “biện pháp đau đớn”. Biện pháp này chỉ dành cho bọn lạm quyền, tham nhũng, nhưng tích cực giúp Đảng thực hiện thành công Nghị quyết T.Ư 4, làm trong sạch Đảng, nâng cao quyền công dân, tăng cường năng lực của Nhà nước.  
 
Theo Tống Văn Công
Lao Động