“Đương sự ngồi vân vê nhẫn kim cương, thẩm phán sao kiềm lòng nổi?”

(Dân trí) - “Lương thẩm phán chỉ 4-5 triệu đồng/tháng nên gặp đương sự ngồi vân vê nhẫn kim cương thì mắt đã sáng lên rồi, sao mà kiềm lòng nổi? Bác sĩ, giáo viên còn có thể dạy thêm, khám thêm để có thêm thu nhập, chứ thẩm phán “làm thêm” không đảm bảo khách quan” – nguyên Phó Chánh án TAND tối cao Trần Văn Độ nói.

Trung tướng Trần Văn Độ phát biểu tại hội thảo hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp để góp phần bảo đảm lợi ích cho hoạt động kinh doanh tại Việt Nam do Ban Nội chính Trung ương tổ chức sáng 24/3.

Muốn tòa thụ lý đơn kiện cũng phải “bôi trơn” mới nhanh

Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức
Hội thảo do Ban Nội chính Trung ương tổ chức

Tại hội thảo, báo cáo của nhóm nghiên cứu về vấn đề này được công bố đã chỉ rõ nguy cơ tiêu cực, tham nhũng ngay trong việc tiếp nhận đơn khởi khiện hoặc yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự. Đây được xem là giai đoạn quan trọng và cũng có nhiều “khoảng hở” dễ làm nảy sinh tiêu cực trong hoạt động công vụ của cán bộ tòa án, cơ hội cho tham nhũng.

“Thẩm phán có thể gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để được Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc hoặc cung cấp thông tin cho bên bị đơn, cá nhân, tổ chức có liên quan với mục đích “vòi vĩnh” – nhóm nghiên cứu đánh giá. Việc gây khó khăn khiến vụ việc không được thụ lý, giải quyết cũng gây mất thời gian, công sức, ảnh hưởng đến hoạt kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Tán thành với những nhận định đưa ra, PGS. TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND tối cao chia sẻ việc đã chứng kiến những tiêu cực trong khâu tiếp nhận hồ sơ tại tòa như có trường hợp cán bộ tiếp nhận để tờ giấy trắng trên bàn, miệng thì nói với đương sự nhưng tay lại viết ra nội dung khác.

Để được việc, nhiều trường hợp đương sự phải có “bôi trơn” thì mới nhanh qua cửa này.

Nguyên Phó Chánh án tối cao cho rằng, việc phân công thẩm phán hiện nay không khách quan vì việc này được giao cho Chánh án của tòa điều phối. Điều đó dẫn đến tình trạng Chánh án phân công thẩm phán “dễ bảo, dễ nghe” theo ý của mình.

So sánh với hình thức phân án để giải quyết bằng cách bấm nút ngẫu nhiên như ở nhiều nước, ông Độ nhấn mạnh việc can thiệp thiếu khách quan, minh bạch của Chánh án chính là một biểu hiện tham nhũng.

“Ở ta, thụ lý và xét xử là một, cho nên đương sự chỉ cần theo từ lúc thụ lý là đi đến cuối cùng vụ án, còn ở nước ngoài thụ ký khác với xét xử để không tạo điều kiện cho đương sự bám theo, như thế là độc lập và kiểm soát lẫn nhau”, ông Độ phân tích.

Ngoài ra, PGS.TS Trần Văn Độ đề cập vấn đề, cần tạo điều kiện “dưỡng liêm” cho cán bộ.

“Thẩm phán lương tháng 4-5 triệu/tháng, nộp tiền học cho con đã hết rồi nên gặp đương sự ngồi mâm mê nhẫn kim cương, mắt đã sáng lên rồi, sao mà kiềm lòng nổi. Bác sĩ, giáo viên còn có thể dạy thêm, khám thêm để có thêm thu nhập, chứ thẩm phán “làm thêm” không đảm bảo khách quan”, ông Độ trao đổi.

Đã “chạy án” được, không gì là không thể “chạy”

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ, cần cơ chế để đảm bảo tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử của Tòa án. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, bên cạnh việc xử lý kỷ luật cán bộ làm sai thì cần hoàn thiện Bộ quy tắc ứng xử của Tòa án, các chức danh tư pháp để ngăn chặn tham nhũng, giám sát, chống tiêu cực.

Ông Tuấn Anh cũng đồng ý với quan điểm, việc tổ chức các cơ quan tư pháp cần hướng tới tính độc lập, các chức danh tư pháp phải độc lập và thu nhập của họ phải đảm bảo cuộc sống thì mới loại trừ được động cơ tham nhũng.

Phó tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng, hoạt động tư pháp hiện vẫn là lĩnh vực khép kín, ít phải đối mặt với người dân so với khu vực hành chính nhà nước. Ông kiến nghị cần đẩy mạnh minh bạch hoá hoạt động tư pháp, chống bóp méo cạnh tranh bằng những thủ thuật tố tụng hơn là phán quyết về nội dung.

GS.TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ-pháp luật, UB Trung ương MTTQ Việt Nam nhắc lại chuyện 10 năm trước, trên cương vị Đại biểu Quốc hội khóa XI, tại nghị trường, ông đã đề cập đến tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, “chạy bằng cấp” và “chạy án”.

“Trong đời sống xã hội, đã “chạy” được án thì không có gì là không “chạy” được bởi việc “chạy” án rất khó khi trong hoạt động tố tụng có sự ràng buộc chặt chẽ giữa cả 3 cơ quan: điều tra, truy tố, xét xử. Có sự chế ước, kiểm soát lẫn nhau chặt chẽ như vậy mà người ta vẫn “chạy” được thì không gì là không thể” – ông Đường phân tích những kẽ hở có thể có trong quy trình làm việc của các cơ quan bảo vệ pháp luật và rút ra quy luật, cần ngăn chặn sự tiếp xúc, mối quan hệ giữa thẩm phán, kiểm soát viên với luật sư, đương sự để triệt tiêu cơ hội nảy sinh tham nhũng.

GS Đường kể lại câu chuyện của một Chánh án tòa án ở Úc khiến ông nhớ mãi. Vị Chánh án này khẳng định, trong đời làm thẩm phán 40 của ông này, ông thấy sung sướng vì chưa từng nhận một cú điện thoại hoặc tiếp một người nào, kể cả người thân, gia đình, để nhờ vả, tác động tới hoạt động xét xử. Từ đó, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - pháp luật MTTQ Việt Nam khuyến cáo về yêu cầu “bịt” kẽ hở tham nhũng.

P.Thảo