“Đa số thực phẩm của chúng ta an toàn nhưng nhân dân không biết”

(Dân trí) - “Trong 5 tháng vừa qua, chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”- Bộ trưởng Cao Đức Phát nói trước Quốc hội chiều 1/4.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát (Ảnh: Quochoi.vn)

5 năm tới đầu tư cho nông nghiệp 83.000 tỷ là quá ít

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, những con số về ngành nông nghiệp trong 5 năm qua đã phần nào nói lên sự quan tâm, cố gắng của cả hệ thống chính trị. Dù có rất nhiều khó khăn nhưng ngành nông nghiệp đã tăng 3,1%, vượt chỉ tiêu đại hội Đảng đề ra; xuất khẩu nông sản tăng 9%, năm 2015 gấp 1,5 lần chỉ tiêu kế hoạch. Xây dựng nông thôn mới, tính đến hết tháng 3 năm nay có 1.761 xã đạt được, gần được 20% như chỉ tiêu năm 2015.

Theo ông Phát, những mặt được và tồn tại trong ngành đã được mổ xẻ tại nhiều diễn đàn, cuộc họp nào của Chính phủ cũng bàn tới, Quốc hội kỳ họp cũng nói tới và có cả nghị quyết.

“Tôi là một trong những người được Quốc hội quan tâm chất vấn nhiều, và tôi cũng giải trình nhiều. Nhưng đúng là tình hình chuyển biến chậm. Vì thế nên tôi thấy rằng chúng ta phải quyết liệt hơn để tiếp tục có sự đổi mới một lần nữa trong nông nghiệp và thúc đẩy quá trình phát triển ở nông thôn. Theo tôi đã đến lúc chúng ta phải có một cuộc cải cách lần 2 với nông nghiệp”- tư lệnh ngành nông nghiệp nói.

Trong cuộc cải cách đó, ông Phát cho rằng phải có chính sách mới, tổ chức lại sản xuất và thực hiện đúng cam kết của Đảng, nghị quyết của Trung ương đã nói: Cứ sau 5 năm phải đầu tư tăng gấp đôi cho nông nghiệp, nông thôn. Đi liền với đó là hệ thống quản lý nhà nước hiệu quả cao, đổi mới cơ chế chính sách có tính quyết liệt cao hơn.

Khẳng định Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách liên quan đến nông nghiệp, nhưng ông Phát nói trong điều kiện nguồn lực có hạn nên chính sách ngắn hạn chỉ giải quyết vấn đề từng phần. “Có nhiều chính sách như đại biểu nói, đã ban hành nhưng không có nguồn lực thực hiện. Cần có những chính sách tạo ra môi trường thuận lợi hơn để nhân dân và doanh nghiệp làm ăn. Có rất nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp nhưng không có đất. Rồi chính sách về thuế, tín dụng và nhiều chính sách khác nữa... Tôi nhất trí với dự thảo nghị quyết của phiên họp này là phải tăng đầu tư cho nông nghiệp”- ông Phát nói.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp tiết lộ, vừa qua Chính phủ có trao đổi, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã họp để quyết điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho nông nghiệp.

“Với con số tôi được thông báo đến giờ này, 5 năm tới theo kế hoạch cũ đầu tư cho toàn ngành nông nghiệp thông qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 83.000 tỷ đồng thì đó là con số quá ít, và tôi đề nghị Quốc hội ra nghị quyết, chỉ đạo thực hiện nghị quyết đó chặt chẽ và cũng bổ sung thêm nguồn lực. Nhưng tôi nhắc lại không chỉ phụ thuộc vào đầu tư của ngân sách mà phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã hội”- ông Phát nêu quan điểm.

“Nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”

Về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được nhiều đại biểu Quốc hội lo lắng, ông Cao Đức Phát khẳng định, Chính phủ và các bộ ngành đều nhận thức rõ yêu cầu của người dân và cảm nhận ngay từ chính những người xung quanh mình. Chính vì thế Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các bộ ngành liên quan nỗ lực phối hợp thực hiện.

“Chúng tôi đang tập trung kiểm soát việc sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh. Vừa qua chúng tôi tập trung xử lý chất cấm mà dư luận đang bức xúc. Bước đầu khá thành công và đã giảm mạnh, triệt được nguồn nhập khẩu vào trong nước. Đến nay việc sử dụng trong các cơ sở sản xuất thức ăn hầu như rất ít, chỉ còn một số trang trại, hộ chăn nuôi lẻ thì chúng tôi đang cùng với Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an xử lý tiếp và bắt tay vào chấn chỉnh việc sử dụng kháng sinh và buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật. Làm từng việc một và triệt để.

Tiếp theo là hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình an toàn, xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và thông báo cho nhân dân biết”- ông Phát thông báo.

Đáng chú ý, ông Cao Đức Phát khẳng định: “Trong 5 tháng vừa qua chúng tôi lấy gần 6.000 mẫu phân tích thì số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn. Vì thế có vấn đề rất lớn nên chúng tôi đang chỉ đạo là phải để làm sao giúp cho nhân dân biết được và yên tâm để tiêu dùng và tiếp tục ngăn chặn sản xuất thực phẩm không an toàn”.

“Ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”

Phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng cùng ngày, đại biểu Lê Thị Nga - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, khẳng định thực trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm ở nước ta trong thời gian gần đây đã đến mức “rất báo động”, “gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài”.

“Bệnh tật, suy giảm sức khỏe giống nòi, giảm sức cạnh tranh nền kinh tế, làm mất hình ảnh quốc gia.... có nguyên nhân không nhỏ từ thực phẩm bẩn. Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”- bà Nga chua xót.

Mặc dù hành lang pháp luật điều chỉnh về an toàn thực phẩm hiện nay rất đầy đủ, gồm Luật An toàn thực phẩm năm 2010, Luật Hóa chất, Luật Thú y, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Pháp lệnh về quản lý thị trường; về chế tài xử lý có Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Dân sự... Hơn nữa, so với pháp lệnh trước đây thì trách nhiệm quản lý nhà nước và cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành đã được phân định rất rõ ràng, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm chủ trì của Bộ y tế, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Giáo dục-Đào tạo và UBND các cấp...

“Pháp lý đã đầy đủ, nhưng vì sao vi phạm ngày càng nhiều? Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân bao trùm là việc tổ chức thực thi luật còn nhiều yếu kém”- nữ đại biểu tỉnh Thái Nguyên thẳng thắn.

Thế Kha