Xóa “đặc quyền, đặc lợi”, không dung túng với hành vi vi phạm

(Dân trí) - “Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật”, đây là điều cần phải làm được khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng một Nhà nước pháp quyền, công dân không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội đều phải sống, tuân thủ theo quy định pháp luật, kể cả là những quy định nhỏ nhất.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Công an thành phố Hà Nội bước đầu đã làm rõ thông tin về chiếc xe ô tô mang biển xanh 29A-016.46 đi vào làn đường dành riêng cho xe buýt nhanh được đăng tải trên mạng xã hội.

Sự việc này này diễn ra khi trước đó, vào cuối tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo yêu cầu có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm gây cản trở hoạt động của xe buýt nhanh.

Trên thực tế, chẳng phải riêng mỗi chiếc xe mang BKS 29A-016.46 có hành vi vi phạm luật giao thông, mà tình trạng xe công lạm quyền ngang nhiên phạm luật khi lưu thông chẳng còn là chuyện hiếm, chuyện lạ.

Ghi nhận của PV Dân trí tại bài báo “Xe biển xanh, biển đỏ “lạc” vào làn xe buýt nhanh” ngày 9/1 cho thấy, mặc dù lực lượng chức năng bố trí làn đường riêng, thậm chí lắp dải phân cách cứng, nhiều phương tiện vẫn cố tình đi vào làn đường dành riêng này. Đáng chú ý là không chỉ giờ cao điểm, nhiều khi đường thông thoáng, ô tô, xe máy vẫn vô tư đi vào làn buýt nhanh, trong đó có cả xe biển xanh, biển đỏ.

Thậm chí, người ta còn mục kích được cảnh một chiếc xe biển xanh 80A đi lấn sang làn đường dành cho xe buýt nhanh BRT và bất ngờ “húc” vào đuôi xe buýt nhanh tại đường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội).

Còn nhớ, cuối tháng 12/2016, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh chiếc ô tô Fortuner biển số xanh 80B-8118 không những đi vào đường cấm mà còn có hành vi ép xe taxi đi đúng chiều phải nhường đường. Ngay cả khi nhiều người dân sinh sống quanh khu vực chạy tới để yêu cầu tài xế xe biển xanh chấp hành giao thông, người này vẫn “cố thủ” trên xe, “ăn thua” với taxi đến cùng.

Xe gắn biển xanh là xe công vụ. Trong những trường hợp nhất định, những xe này được ưu tiên, nhưng không phải mọi thời điểm, mọi trường hợp. Nhẽ ra, cơ quan công quyền phải làm gương đầu tiên trong chấp hành quy định luật pháp, song không biết từ bao giờ, những lái xe công vụ khi điều khiển xe thường tự cho mình “đặc quyền”, thậm chí là đặc quyền phạm luật.

Có thể họ nghĩ, với những vi phạm như chạy quá tốc độ, sai làn, ngược chiều, vượt phải… dẫu có bị công an giao thông giữ lại thì như một “lệ bất thành văn”, sẽ được cho qua. Còn cảnh sát giao thông cũng ngại “thổi còi” những trường hợp xe công vi phạm, đơn giản là có nhắc nhở thì lần sau họ vẫn tái phạm, còn nếu phạt có khi sẽ gặp… phiền phức.

Trong một cuộc họp tổng kết năm, lãnh đạo Công an TP Hà Nội cho biết, qua hệ thống camera, cơ quan này đã phạt nguội hơn 7.600 lái xe vi phạm giao thông, trong đó có 34 xe biển xanh và 54 xe biển đỏ. Gần 100 xe biển xanh, biển đỏ bị phạt nguội trên địa bàn Hà Nội là con số đáng ghi nhận về sự công tâm của lực lượng công an giao thông. Thế nhưng, con số trên thực tế chắc chắn không chỉ dừng lại đó.

“Mọi công dân bình đẳng trước pháp luật”, đây là điều cần phải làm được khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng một Nhà nước pháp quyền, công dân không phân biệt chức vụ, vị trí xã hội đều phải sống, tuân thủ theo quy định pháp luật, kể cả là những quy định nhỏ nhất.

Muốn làm được điều đó, ngoài việc yêu cầu người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định, thì trong mắt cơ quan chức năng cũng cần phải coi xe biển xanh, biển đỏ như xe biển trắng, không dung túng với bất cứ hành vi vi phạm nào.

Bích Diệp