Sự thẳng thắn cần thiết của Bộ Công Thương

(Dân trí) - Việc thừa nhận, nhìn thẳng vào thực tế để có phản ứng nhanh trước những vấn đề dư luận quan tâm gần đây của Bộ Công Thương cho thấy thái độ cầu thị của người đứng đầu. Dù còn nhiều vấn đề lớn cần giải quyết, nhưng Bộ đã có những chuyển biến đáng ghi nhận trong nỗ lực công khai, minh bạch về mặt thông tin.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trước hết, phải nói rằng đây là một nhiệm kỳ đầy thách thức đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. Không chỉ vì phải xử lý hàng loạt vấn đề “đao to búa lớn” như xử lý 12 dự án nghìn tỷ không hiệu quả, nguy cơ thua lỗ, phá sản, mà còn bởi, vị Bộ trưởng còn phải gánh trách nhiệm xoay chuyển cả một bộ máy cồng kềnh theo hướng Chính phủ đặt ra: kiến tạo, hành động và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Đầu năm nay, ngay khi chuẩn bị kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị toàn quốc, nghiêm cấm cán bộ công chức đi lễ hội trong giờ hành chính cũng như sử dụng xe công đi lễ hội trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Thế nhưng, chỉ một tuần sau khi Chỉ thị được ban hành, vẫn xảy ra không ít trường hợp công chức đi lễ chùa giờ hành chính, sử dụng xe biển xanh… Các trường hợp này được đài truyền hình quốc gia (VTV) phản ánh ngay trên sóng thời sự, với dẫn chứng cụ thể, địa chỉ rõ ràng không thể nào chối cãi.

Trong số các trường hợp bị rơi vào khung máy nhà đài có một bộ phận công chức của một đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Lập tức, sáng 8/2, bộ phận truyền thông của bộ này có phản hồi về thông tin nói trên, thừa nhận có sự việc cán bộ đi lễ chùa trái quy định.

Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương, đến 21 giờ ngày 7/2, báo cáo nhanh từ Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Có việc cán bộ thuộc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu thuộc Cục Xúc tiến thương mại xuất hiện trong bản tin mà VTV phản ánh. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Xúc tiến thương mại giải trình vụ việc trên và báo cáo lại lãnh đạo Bộ trong sáng ngày 8/2/2017.

Bộ Công Thương cũng khẳng định, trên cơ sở bản giải trình của Cục Xúc tiến thương mại, Bộ sẽ “xem xét hình thức kỷ luật đối với cá nhân, tập thể liên quan đến vụ việc trên”. Đồng thời, hứa hẹn “sẽ công bố thông tin sớm nhất đến báo chí và dư luận được biết”.

Ngay trước đó, một thông tin lùm xùm khác liên quan đến Bộ Công Thương cũng đã gây tranh cãi trong dư luận về việc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ vừa qua, Bộ này vẫn trình một văn bản do ông Vũ Huy Hoàng, khi còn là Bộ trưởng ký. Sau đó, bộ phận truyền thông của Bộ cũng đã có phản hồi.

Động thái phản ứng nhanh về mặt thông tin của Bộ Công Thương là rất đáng hoan nghênh, cho thấy sự cầu thị của người đứng đầu, nhất là trong bối cảnh, có không ít bộ ngành vẫn còn tình trạng né tránh báo chí, hoặc vòng vo khi đề cập về những vấn đề xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình. Hầu hết cơ quan bộ, ngành, địa phương đều có cổng thông thông tin điện tử, nhưng không phải lúc nào cũng cập nhật thông tin mới.

Còn nhớ cách đây không lâu, mạng xã hội chuyền tay vụ việc một cán bộ Thanh tra Chính phủ buông lời xúc phạm nhà báo trong buổi công bố quyết định thanh tra tại Đại học Quốc gia TPHCM

Ứng xử coi thường, dẫm lên dư luận của vị quan thanh tra nói trên là không nhiều, nhưng thái độ trốn tránh báo chí, trốn tránh dư luận thì lại rất phổ biến. Thường gặp nhất là những lời từ chối khéo của các vị quan chức “tôi chưa nắm được thông tin”, “tôi đang bận họp”, “đơn vị chưa nhận được chỉ đạo”, “đơn vị chưa có quy chế phát ngôn” v.v…

Cũng có những nơi đồng ý tiếp nhận chất vấn, nhưng sẽ yêu cầu nhiều loại công văn, thủ tục, thậm chí bị làm khó dễ ngay tại cửa bảo vệ. Hoặc đơn giản nhất là “thủ trưởng đi công tác, không có người giải quyết vấn đề”. Chỉ đến khi có chỉ đạo từ cấp cao hơn, thậm chí phải có lệnh của Thủ tướng, Phó Thủ tướng mới bắt tay vào công việc thu thập thông tin, báo cáo giải trình.

Tình trạng né tránh báo chí, không dám đối mặt với dư luận nói trên đến từ nhiều nguyên nhân. Chủ yếu là do tính sợ trách nhiệm của cán bộ phụ trách, do suy nghĩ “xấu che tốt khoe”, “việc to nói nhỏ thành nhỏ, không nói là không có gì”, cố ý để chìm xuồng sự việc v.v. Điều này vô hình chung sẽ làm xấu bộ mặt của đơn vị đó, khiến người khác có thể suy diễn và lái sự việc sang hướng bất lợi – đây là điều mà nhiều đơn vị khi vấp phải rồi mới cuống cuồng cải chính.

Chính vì vậy, dù nội bộ Bộ Công Thương còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng cách ứng xử của Bộ với những sai sót xảy ra trong ngành là rất đáng ghi nhận. Chỉ khi minh bạch, công khai, dám nhìn thẳng vào sai sót thì bộ máy đó mới có thể tốt lên nhờ con mắt giám sát của người dân, dư luận.

Bích Diệp