Một đối thủ đáng gờm của báo chí

(Dân trí) - “Một trong những xu hướng nổi bật phải kể tới là mạng xã hội đang trở thành ngôi nhà thứ hai, vừa là trợ thủ vừa là đối thủ của báo chí”.Đó là ý kiến của TS Trần Bá Dung – Trưởng Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam) tại Tọa đàm “Các xu hướng báo chí hiện đại” do Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 9.2.

(Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp)

Mạng xã hôi phát triển ngày càng mạnh và có xu thế sẽ lan tỏa sâu rộng hơn trong tương lai. Sự tồn tại của mạng xã hội là tất yếu và tất nhiên có vai trò nhất định, hay nói đúng hơn là quan trọng đối với đời sống xã hội.

Thông tin trên mạng xã hội không chắt lọc nhưng phải khẳng định đó là một kho thông tin rất phong phú. Điển hình như trên facebook, ngoài những thông tin cá nhân, nhiều trang cung cấp những tin thời sự nhanh nhạy, có khi báo chí chính thống chưa biết được. Trên thực tế, có nhiều vụ việc nóng hổi vừa xảy ra, ngay lập tức đã có trên mạng xã hội, các báo nháo nhào chạy theo để làm tin. Chưa kể, nhiều Facebooker có trình độ, có lý luận, có chuyên môn sâu đưa ra những nhận định, phân tích, bình luận các vấn đề thời sự kinh tế xã hội rất đáng để đọc. Chính vì sự phong phú tin tức như vậy, nên mạng xã hội thu hút ngày càng đông sự tham gia của cộng đồng.

Nhà báo chuyên nghiệp phần lớn rất quan tâm đến mạng xã hội, bởi vì theo dõi thông tin trên các trang mạng, facebook, có thể tìm ra được những đề tài hay, đôi khi chỉ là gợi ý để triển khai một vấn đề báo chí. Đọc mạng xã hội, nhà báo chuyên nghiệp theo dõi và năm bắt được mối quan tâm của dư luận, qua đó làm báo sát với thực tế hơn, cái gọi là “trợ thủ” chính là vậy.

Báo chí xem mang xã hội như một đối thủ là đương nhiên. Tuy không cạnh tranh trực tiếp, nhưng sự tồn tại của mạng xã hội tạo ra sự so sánh về thông tin khá gay gắt. Mạng xã hội đưa tin nhanh hơn là một thử thách đối với báo chính thống. Hoặc, có nhiều bài viết trên các báo, đã bị các cây bút tự do phản biện, có nhiều phản biện rất thuyết phục, điều này vẫn thường xảy ra. Tất nhiên, cũng có không ít những thông tin “rác”, xuyên tạc và thậm chí bôi bẩn.

Với các sản phẩm thiết bị thông minh vượt trội hiện nay, con người có thêm công cụ tiện lợi để tham gia cung cấp thông tin trên mạng xã hội. Trước xu thế đó, báo chí chính thống bắt buộc phải nỗ lực nhiều hơn để đảm bảo chất lượng sản phẩm của mình, giữ vững uy tín trong lòng bạn đọc.

Và thế mạnh cần phát huy để giữ uy tín, đó là thông tin chính xác, trung thực, làm nghề có trách nhiệm và có tính chuyên nghiệp cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng có ý kiến: “Các đồng chí ngồi đây đều tham gia mạng xã hội, có điện thoại để lên facebook xem thông tin. Vậy làm sao để thông tin đó đúng đắn, chúng ta không ngăn, không cấm được đâu các đồng chí. Phải đưa thông tin chính xác, kịp thời để định hướng”.

Cho nên, báo chí cũng không chủ quan cho rằng mạng xã hội đưa tin không chính xác, thiếu kiểm chứng mà coi thường. Trong hàng triệu tin tức, bài viết lớn nhỏ hằng ngày, chỉ cần vài phần trăm bản tin có chất lượng thì cũng đủ tạo nên sức mạnh thông tin. Mạng xã hội là một đối thủ rất đáng gờm.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!