Lại chuyện ấu dâm: Các “quan”họ nhiều việc lắm, chỉ bố mẹ quan trọng nhất thôi!

(Dân trí) - Biết là thế, người dân luôn trông đợi ở chính quyền. Nhưng các “quan” họ còn nhiều việc bận lắm, nên bố mẹ ạ, đừng vì bận rộn quá mà quên mất rằng, hơn tất cả mọi điều trên thế gian, chỉ bố mẹ mới là người quan trọng nhất với con thôi.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đây không phải lần đầu tôi đề cập đến đề tài này. Những chuyện lạm dụng tình dục, bạo hành trẻ em, thật đau lòng và nhức nhối vẫn đang diễn ra đâu đó, xung quanh nơi chúng ta đang sống, bất kể hàng ngàn, hàng vạn bài báo, bất kể tivi, đài phát thanh... liên tục phản ánh, đưa tin.

Một vụ nghi án dâm ô trẻ ở Vũng Tàu hồi tháng 6/2016, một vụ xâm hại khác xảy ra tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) và cùng thời gian, tại TPHCM, phụ huynh bé gái 7 tuổi trong nghi án bị xâm hại xảy ra tại trường tiểu học Lương Thế Vinh (quận Thủ Đức)...

Đó là những vụ việc hiếm hoi được đưa ra ánh sáng. Một số liệu được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội công bố cho thấy, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại!

Còn trên phạm vi thế giới, cứ 4 bé gái có 1 bé bị xâm hại tình dục, và cứ 6 bé trai lại có 1 bé trở thành nạn nhân.

Những con số đáng báo động và khiến bất cứ người cha, người mẹ nào đang có con nhỏ cũng phải rùng mình, ghê sợ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì ngay cả những con số trên cũng mới chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Nói thế để thấy rằng, nguy cơ bị xâm hại đối với trẻ em là rất lớn. Không phải đơn thuần chỉ là mỗi sáng chúng ta mở vài trang báo ra đọc, nghe kể về một vài trường hợp thương tâm rồi chúng ta sẽ ngồi yên một chỗ để xuýt xoa, đăng vài dòng “trạng thái” cảm thông trên Facebook. Cũng không phải là chúng ta chỉ ở đây – trước màn hình mà phẫn nộ thay cho những bất công đâu đó, khi mà nạn nhân là con trẻ không được bảo vệ, than vãn vì sao luật pháp sơ hở, nhà chức trách, cơ quan công quyền vô tâm, dửng dưng…

Có lẽ, thế giới của những người quản lý mà chúng ta trông cậy có quá nhiều việc để họ phải làm, phải để tâm (?) nên họ chưa rảnh tay lo chuyện trẻ em, con nít. Có lẽ, họ phải chờ những chỉ thị ở cấp cao hơn như Chủ tịch nước, Thủ tướng, Phó Thủ tướng… thì họ mới bắt đầu coi chuyện “con nít” là chuyện lớn. Chỉ nhìn vài ba vụ việc được liệt kê ở trên có thể thấy, kể cả khi có những người cha, người mẹ vì quá thương con mà dũng cảm đứng lên vạch trần cái ác, cái xấu thì họ cũng đang rất đơn độc, con đường đến công lý còn rất dài, rất xa.

PGS.TS Trần Thị Kim Xuyến, ĐH Văn Hiến đã không phải không có lý khi nêu quan điểm rằng: “Hình như pháp luật đang bảo vệ một nhóm người nào đó!”? Thực ra, luật pháp rất nghiêm minh, trước pháp luât, mọi người đều bình đẳng. Chỉ có điều, người thực thi pháp luật có trung thực hay không mà thôi.

Tôi đồng ý với những kêu gọi trên mạng xã hội, rằng mỗi chúng ta không thể im lặng trước những bất công. Cộng đồng phải chung tay để giành lấy công bằng, công lý cho những trẻ em không may bị xâm hại, lôi bằng được kẻ ác ra chịu tội thích đáng trước pháp luật. Xã hội không thể dung chứa những kẻ có hành vi bẩn thỉu, cặn bã ấy.

Nhưng, bố mẹ ạ, chúng ta không phải là người ngoài cuộc với những rủi ro đang rình rập con cháu, người thân chúng ta. Khi các con vẫn còn an toàn hãy đảm bảo cho sự an toàn đó. Mỗi ngày trôi qua, mỗi chúng ta ai cũng trăm công ngàn việc với những mối lo cơm áo gạo tiền, chúng ta gửi con đi nhà trẻ, giao con cho người giúp việc, thậm chí, có những đứa trẻ lớn lên trước màn hình tivi và những video muôn hình vạn trạng trên Youtube…

Rồi đến một ngày, ta tá hỏa nhận ra các con đã lớn và nhiều bố mẹ bất lực vì không còn kiểm soát đươc con, không còn hiểu con mình dù mình sinh ra nó…

Đúng, thế giới có nhiều việc phải làm và nhiều vấn đề cần quan tâm lắm. Nhưng có lẽ, đến lúc ta cần bỏ điện thoại và ipad xuống, hy sinh vài bữa nhậu, vài trận bóng… để ngồi cùng con trẻ, lắng nghe con và song hành, sánh bước với con trên từng bước, từng bước đi vào đời.

Bích Diệp