Không thể chần chừ việc di dời các “quả bom nổ chậm”

(Dân trí) - 1/12 mẫu nước mặt được thu thập vượt hàm lượng thuỷ ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế. 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn 40 của Việt Nam. Đáng chú ý, có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thuỷ ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch...

Không thể chần chừ việc di dời các “quả bom nổ chậm” - 1

Trên đây là thông tin về kết quả đánh giá chất lượng môi trường không khí, đất, nước, tro xỉ sau vụ cháy nhà máy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông qua hoạt động lấy lấy mẫu của các cơ quan từ 30/8 - 1/9, được Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân công bố tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra tối ngày 4/9 vừa qua.

“Đây là vụ cháy nổ mất an toàn về hóa chất có quy mô ảnh hưởng ở mức trung bình, gây thiệt hại rất lớn đến tài sản, gây nguy cơ với môi trường, với sức khỏe con người. Các hóa chất gây ô nhiễm môi trường xung quanh chủ yếu là thủy ngân, kim loại nặng, phát tán chủ yếu vào đất, môi trường xung quanh, lắng đọng trong trầm tích đáy sông Tô Lịch, phát tán theo dòng nước sử dụng để chữa cháy. Vùng có nguy cơ gây ô nhiễm có bán kính đến 500m, tính từ hàng rào của kho chứa sản phẩm bị cháy” - ông Nhân khái quát về vụ cháy như vậy.

Xin không nhắc lại những quan điểm đã được BLOG Dân trí nêu tại bài báo “Cháy nhà ra nơi nhiễm độc: Người dân biết nghe ai?” của nhà báo Mạnh Quân đăng ngày 3/9, trong đó đề cập rõ nét về sự lúng túng của các cấp chính quyền và cơ quan quản lý trong việc đánh giá, phân tích, công bố thông tin, khiến người dân hoang mang lo lắng.

Song, từ khi xảy ra vụ cháy (chiều 28/8) đến thời điểm chính thức nhận được thông tin nói trên của Bộ TN&MT (chiều 4/9) là tròn 1 tuần. Trong 1 tuần ấy, người dân lúc thì được khuyến nghị “không sử dụng thực phẩm, nguồn nước trong bán kính 1 km”, rồi lại nghe thông báo các chỉ số môi trường “trong ngưỡng cho phép, an toàn đối với người dân”, cuối cùng kết quả “vùng có nguy cơ gây ô nhiễm có bán kính đến 500m…”. Vậy một tuần ấy, nếu người dân bị ảnh hưởng sức khoẻ do nhiễm độc, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, biện pháp khắc phục của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hiện chỉ là “cô lập khu vực bị cháy bằng cách che bạt khoanh vùng khu vực cháy nhằm tránh mưa, nắng để hạn chế việc thuỷ ngân bị rò rỉ và tiếp tục phát tán ra môi trường”.

Qua đó thấy rằng, cả doanh nghiệp lẫn chính quyền địa phương và các đơn vị có chức năng đang hoàn toàn bị động khi sự cố xảy ra. Đành rằng hoả hoạn là bất khả kháng và không ai mong muốn, nhưng với bất cứ một doanh nghiệp nào thì phương án phòng cháy, chữa cháy luôn cũng cần phải được xây dựng, lên kế hoạch ứng phó từ trước, trong khi sản phẩm của Rạng Đông lại còn chứa chất độc hại. Sự bất cẩn này, không thể nói không ai có lỗi!

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, ông Võ Tuấn Nhân cũng đã nêu kiến nghị phải di dời nhà máy Rạng Đông ra khỏi khu vực xảy ra vụ cháy và không tái xây dựng trở lại tại khu vực này.

Người viết rất đồng tình với quan điểm này của Bộ TN&MT. Từ thực tế vừa qua, việc di dời là cần thiết, nếu không nói là cấp thiết. Hơn nữa, chủ trương này đã có từ 16 năm trước khi Thủ tướng ký Quyết định số 64/2003/QĐ-TTG phê duyệt “kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”.

Trong 16 năm đó, khu “Cao Xà Lá” ở khu vực Thượng Đình (nơi tập trung các nhà máy sản xuất cao su, xà phòng, thuốc lá) với những “quả bom nổ chậm” vẫn loay hoay với việc di dời. Và đến lúc này, khi một sự cố môi trường nghiêm trọng đã xảy ra thì có lẽ không còn lý do gì để “loay hoay” thêm nữa.

Cũng xin nói thêm, sau khi việc di dời diễn ra cần đảm bảo sử dụng quỹ đất nhằm mục đích có lợi cho người dân, cho thành phố, chứ không phải là tạo cơ hội “kiếm lời” trên “đất vàng” cho  bất cứ tổ chức, cá nhân nào.

Bích Diệp