Không phải truyện cổ tích !

(Dân trí) - Một câu chuyện đã được viết nên suốt gần 2 chục năm qua. Một câu chuyện mà cái kết, vào thời điểm này khi những chuyện xấu xa về bạo hành, xâm hại trẻ em đang làm cả xã hội sục sôi, không làm mấy ai để ý.

Không phải truyện cổ tích ! - 1

Ngày 3/3/2017 vừa qua, ngành giáo dục tỉnh Nam Chungcheong, Hàn Quốc đã ra quyết định mở lại một ngôi trường đã đóng cửa hàng chục năm nay trên một đảo nhỏ, chỉ để dạy học cho một cậu học trò duy nhất mới 8 tuổi tha thiết muốn đi học nhưng lại không muốn xa gia đình.

Còn ở Nhật Bản mới đây, nhà ga Kami-Shirataki cũng đã ngừng hoạt động vĩnh viễn sau khi vị khách duy nhất mà nó phục vụ suốt 3 năm qua đã tốt nghiệp THPT. Ba năm trước, Tổng công ty Đường sắt Nhật Bản đã quyết định tạm hoãn việc đóng cửa nhà ga này theo kế hoạch, khi phát hiện ra có một nữ sinh vẫn đến nhà ga để đón tàu đi học mỗi ngày. Trong suốt 3 năm, mỗi ngày chỉ có hai lần đoàn tàu dừng lại ở ga, một là để đón cô bé đi học và một là để đưa cô bé về nhà.

Sự hiếu học của trẻ thơ và tinh thần khuyến học, nhân văn của cộng đồng, của xã hội, thái độ đối xử với quyền và lợi ích của từng cá nhân, cung cách trân trọng, nâng niu và lựa chọn hy sinh trước những ước mơ dù rất nhỏ nhoi của một đứa trẻ… thực sự đã nhắc nhở, truyền cảm hứng cho tất cả chúng ta dù mỗi người chúng ta đang ở vị trí nào trong xã hội.

Khi những bước đi đầu tiên của một con người được xã hội đón nhận theo cách không thể nhân văn hơn như thế, làm sao con người khi trưởng thành lại không phải là một người biết cống hiến tận tụy, hết mình cho xã hội, biết hy sinh, biết sống vì người khác?

Cả cộng đồng vì một người, những câu chuyện có thật, đẹp như cổ tích ở hai quốc gia này, đã truyền cảm hứng không chỉ cho những người làm giáo dục và cho các thanh thiếu niên ở tuổi đến trường mà còn cho tất cả những ai biết đến.

Còn ở Việt Nam, một câu chuyện cổ tích cũng đã được viết nên nhưng theo một cách ngược lại: Có một người đã vì cả cộng đồng mà quên mình suốt gần 2 chục năm qua cho đến tận cả lúc ra đi. Một câu chuyện cổ tích mà cái kết, vào thời điểm này khi những câu chuyện xấu xa về bạo hành, xâm hại trẻ em đang làm cả xã hội sục sôi, không mấy ai để ý.

Đó là người thầy đã một mình đẽo thang vượt núi tìm đến bản người Mông, một vùng núi đá cao chất ngất trên đỉnh trời, tự dựng trường, gọi con trẻ về dạy học. Đó là thầy giáo Mông Văn Nguyễn ở bản Lũng Mần (xã Đức Hạnh, huyện Bảo Lâm, Cao Bằng) nơi có hơn 500 cư dân người Mông đều thuộc diện nghèo khổ đang sinh sống.

Một người thầy được coi như huyền thoại của vùng núi đá nơi địa đầu, một mình đến để dạy học, nhưng rồi không cầm lòng được trước cảnh vất vả khó khăn của người dân nơi đây, ông đã ở lại suốt 17 năm qua, không mệt mỏi tìm mọi cách giúp đỡ từng người dân.

Phá đá làm đường, gùi xi măng quây những mỏm đá lại xây hàng trăm bể chứa nước, hướng dẫn cách trồng trọt mới... rồi đỡ đẻ, cứu người, giúp người dân nâng cao hiểu biết mọi mặt. Một cuộc đời không màng tới lợi ích của bản thân, chấp nhận gian khổ tự nguyện sống xa gia đình, người thân để yêu thương và tận tụy hết lòng vì một cộng đồng nghèo khó xa lạ ở nơi cùng đất cuối trời.

Thật đáng tiếc, cách đây mấy ngày thôi, thầy đã ra đi vĩnh viễn sau khi tìm cách cứu một cặp vợ chồng đi rừng gặp lũ trên sông Nho Quế.

Câu chuyện cả cộng đồng vì một người hay câu chuyện một người vì cả cộng đồng này đều truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những ai biết đến. Những câu chuyện không phải cổ tích, những câu chuyện có thực và trong thực tế chúng tuy không nhiều nhưng luôn là nguồn cảm hứng, giúp chúng ta thấy đời sống bớt ảm đạm hơn.

Cát Thụy