Cuộc “ra quân tổng lực” thanh, kiểm tra tài sản của bà Kim Thoa

(Dân trí) - Nếu đó là tài sản chính đáng, do mồ hôi, công sức của bà Thoa và gia đình thì công khai để nhân dân được biết, thậm chí học tập phương pháp làm giàu của bà Thoa và gia đình. Ngược lại, nếu đó là tài sản bất minh, sẽ phải có hình thức xử lý thích đáng.


(minh họa: Ngọc Diệp)

(minh họa: Ngọc Diệp)

Những ngày qua, dư luận không ngừng xôn xao xung quanh khối tài sản khủng của Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa.

Trong Bài viết “Khối tài sản khủng của gia đình bà Thoa do đâu mà có?” cách đây hai ngày (15/2) đăng trên BLOG Dân trí, hàng trăm ý kiến bạn đọc gửi về tòa soạn, trong đó nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc, làm rõ nguồn gốc khối tài sản này để tìm lại sự công bằng và minh bạch .

Nếu đó là tài sản chính đáng, do mồ hôi, công sức của bà Thoa và gia đình thì công khai để nhân dân được biết, thậm chí học tập phương pháp làm giàu của bà Thoa và gia đình. Ngược lại, nếu đó là tài sản bất minh, sẽ phải có hình thức xử lý thích đáng.

Đây cũng là mong muốn của đại biểu Quốc hội, luật sư, chuyên gia kinh tế và đông đảo quần chúng nhân dân và có thể, đó cũng là mong muốn của bà Thoa và gia đình.

Có lẽ để đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, Văn phòng Trung ương Đảng cho biết vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các báo đã nêu liên quan tới Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa và những vấn đề liên quan khác.

Cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự Đảng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Tổng Bí thư còn yêu cầu Ban cán sự đảng của Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Đây có thể coi là cuộc ra quân “tổng lực” để làm rõ sự việc.

Những thông tin này làm nức lòng đồng bào cả nước bởi nó thể hiện sự nhanh chóng, quyết liệt trong công cuộc phòng chống tham nhũng. Điều này đã mang lại niềm tin tưởng của đông đảo quần chúng nhân dân trong tiến trình xây dựng một Chính phủ liêm chính.

Không chỉ có thế, sự nhanh chóng, quyết liệt còn thể hiện tinh thần lắng nghe dân, lắng nghe phản ánh từ báo chí như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng bày tỏ nhân 91 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam: “Dù bận đến cỡ nào, hàng ngày tôi cũng lướt đọc tin tức trên các báo, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách của Chính phủ, để qua đó góp phần xây dựng một Chính phủ kiến tạo phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, phục vụ nhân dân”.

Có lẽ chưa có bao giờ công tác phòng chống tham nhũng lại được thực hiện quyết liệt như từ Đại hội Đảng 12 đến nay. Hàng loạt cán bộ kể cả những người là cán bộ cấp cao như Trịnh Xuân Thanh hoặc từng là cán bộ cấp cao như ông Vũ Huy Hoàng bị xử lý kỉ luật.

Song, cũng công bằng, dù đã có nhiều nỗ lực nhưng công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn chưa đáp ứng lòng mong đợi của nhân dân bởi tệ nạn này vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi.

Hi vọng rằng bằng sự quyết liệt của Đảng và Chính phủ mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ ngày càng quyết liệt và hiệu quả hơn bởi đây chính là một loại “giặc nội xâm” cực kỳ nguy hiểm, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám