1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

10 kiến nghị của các "ông lớn" trong cuộc họp "nóng" về bất động sản

Mộc An

(Dân trí) - Các doanh nghiệp kiến nghị hạ lãi suất, giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ pháp lý, sớm ban hành sửa đổi Nghị định 65… để gỡ khó thị trường bất động sản.

Tại hội nghị bất động sản trực tuyến về bất động sản diễn ra hôm nay (17/2), các doanh nghiệp lớn đã báo cáo tình hình triển khai các dự án, các vướng mắc cụ thể của dự án và đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Đề nghị Chính phủ, các bộ ngành chung tay giúp sức

Ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes - cho biết thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng hạn chế, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được…

Ông đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, Nhà nước, doanh nghiệp.

Đề xuất giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland), kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Ngân hàng giảm lợi nhuận, đồng hành cùng doanh nghiệp

Ngoài đề xuất giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ, Novaland đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng như các ngân hàng thương mại có biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động, qua đó nhanh chóng giảm lãi suất cho vay phục hồi thị trường.

Doanh nghiệp này cũng đề nghị các ngân hàng thương mại nên giảm biên lợi nhuận để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.

10 kiến nghị của các ông lớn trong cuộc họp nóng về bất động sản - 1

Chủ tịch Vinhomes đề nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản (Ảnh: VGP).

Tháo gỡ pháp lý

Ông Bùi Thành Nhơn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước. Sự ách tắc này đã kéo dài rất nhiều năm nhưng chưa được giải quyết.

Doanh nghiệp này mong muốn Thủ tướng chỉ đạo chọn khu đô thị vệ tinh Aqua City tại tỉnh Đồng Nai làm dự án thí điểm để Tổ công tác của Thủ tướng cùng địa phương tháo gỡ khó khăn và thời gian tháo gỡ trong 1 tháng.

Cho phép dùng tài sản hình thành trong tương lai 

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty GP.INVEST, cho biết, bên cạnh việc sử dụng vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và đối tác, kể cả đối tác nước ngoài để bổ sung nguồn vốn.

Vì vậy, ông Hiệp xin đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép sử dụng tài sản hình thành trong tương lai của chính dự án nếu như phương án kinh doanh đảm bảo có hiệu quả mà không phải sử dụng tài sản đảm bảo độc lập khác.

Xem xét lại hệ số rủi ro

Chủ tịch HĐQT Công ty GP.INVEST còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo xem xét lại hệ số rủi ro khi đánh giá các khoản vay bất động sản cho từng trường hợp cụ thể tùy thuộc vào tín nhiệm của từng khách hàng, từng dự án mà không đánh giá hệ số rủi ro đồng loạt 200% đối với tất cả các chủ đầu tư.

Ngoài ra, ông đề nghị về chính sách tín dụng tránh đột ngột, gây khó khăn cho doanh nghiệp như trong thời gian vừa qua.

Gia hạn các trái phiếu để tháo bớt áp lực dòng tiền

Ông Hiệp cho biết cần thiết phải cho gia hạn các trái phiếu để tháo bớt áp lực dòng tiền thanh toán cho các công ty phát hành và sau đó bên cạnh biện pháp cho hoán đổi nợ trái phiếu bằng tài sản, bất động sản của công ty phát hành cần có cơ quan đứng ra đánh giá cụ thể đối với từng doanh nghiệp đang phải chuẩn bị thanh toán trái phiếu mà không cân đối được dòng tiền.

Sớm ban hành sửa đổi Nghị định 65

Chủ tịch Novaland cho biết việc sửa đổi Nghị định 65 đã soạn thảo từ đầu tháng 12/2022 nhưng đến nay vẫn chưa được ban hành. Ông Bùi Thành Nhơn mong các nội dung sửa đổi này được ban hành sớm.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết dự thảo của Nghị định, việc không quy định lượng trái phiếu được phép phát hành so sánh với vốn chủ sở hữu hoặc tài sản hiện có của doanh nghiệp có thể là một điều cần cân nhắc thêm. Đồng thời cần phải xem xét đến trách nhiệm của ngân hàng và công ty môi giới gắn với các công ty phát hành, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho thị trường tài chính như thời gian vừa qua.

Tăng nguồn cung từ cải tạo chung cư cũ

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho biết chung cư cũ cải tạo sẽ là nguồn cung lớn cho nhà ở phân khúc hợp lý với người tiêu dùng đồng thời góp phần cải tạo chỉnh trang bộ mặt đô thị…

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc nhất là quy hoạch và mật độ dân số bị hạn chế khi cải tạo lại nên không đáp ứng được yêu cầu đền bù của người dân (hệ số K) và yêu cầu hiệu quả kinh doanh của chủ đầu tư. Để giải quyết vấn đề này chắc chắn lãnh đạo hai thành phố Hà Nội và TPHCM (nơi  tập trung lớn nhất các khu chung cư cũ) cần có những quyết sách riêng cho từng trường hợp cần linh hoạt giải quyết.

Đề xuất quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng cần có một quỹ đầu tư phát triển nhà ở xã hội như đề xuất của Bộ Xây dựng mới đây nhưng không chỉ dùng để hỗ trợ tín dụng cho dự án nhà ở xã hội mà nên có một phần dành cho các địa phương để tập trung hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cho các dự án nhà ở xã hội.

Đầu tiên là vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phải lựa chọn các khu nhà ở xã hội tập trung ở vị trí quy hoạch hợp lý rồi sử dụng quỹ này đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tập trung, sau đó mới lựa chọn chủ đầu tư. Điều này sẽ chủ động được kế hoạch và đồng thời cũng tăng tính hấp dẫn của các dự án nhà ở xã hội đối với các chủ đầu tư.

Ngoài ra, các thể chế quy định về tiêu chuẩn nhà ở xã hội, trình tự các bước làm dự án nhà ở xã hội, tiêu chuẩn và chế độ cho người mua nhà ở xã hội cũng cần cập nhật lại và đơn giản hóa theo điều kiện biến đổi của thị trường (kể cả đơn giá thi công nhà ở xã hội).