Tiêu điểm:

Xây dựng văn minh bằng trách nhiệm công dân

(Dân trí) - Đoạn video clip quay cảnh một thiếu nữ tát liên tục vào mặt chiến sĩ cảnh sát giao thông đã gây sốc cho nhiều người. Khó có thể tưởng tượng được một cô gái chống người thi hành công vụ một cách bạo lực như vậy.

Vụ tấn công cảnh sát bắt đầu từ việc một xe máy chạy ngược chiều trên đường Lê Văn Khương, quận 12 – TPHCM.  Xe chở ba, không đội mũ bảo hiểm, khi bị cảnh sát dừng lại thì không có giấy phép lái xe. Vi phạm nhiều lỗi như vậy, nhưng một trong ba người còn lao vào chửi rủa, tát cảnh sát, sau đó lăn ra ăn vạ. Ngược lại với thái độ hung hăng của cô gái, hai chiến sĩ cảnh sát vẫn bình tĩnh xử lý, tôn trọng công dân. Đối với trường hợp này, phải nghiêm trị bằng pháp luật.

 

Gần đây đã xảy ra nhiều vụ người vi phạm tấn công cảnh sát giao thông. Có vụ tài xế taxi hất cảnh sát lên nắp capo chạy vài km, có vụ tài xế đâm thẳng vào cảnh sát, có vụ người vi phạm rút hung khí đả thương cảnh sát. Chưa kể, nhiều người khi bị dừng xe, cậy quyền cậy thế chửi rủa, quát mắng cảnh sát rất thiếu văn hóa.
 
Xây dựng văn minh bằng trách nhiệm công dân - 1

Người vi phạm nhảy vào tát công an - Ảnh chụp từ clip

 

Dư luận xã hội lên tiếng phê phán cảnh sát giao thông làm luật, nhiều vụ việc nhận tiền mãi lộ bị phanh phui. Hình ảnh của cảnh sát giao thông đã bị những con sâu trong ngành làm xấu đi, cho nên không ít người có suy nghĩ thiếu thiện cảm với cảnh sát giao thông.

 

Nhưng có công bằng không khi chúng ta bỏ quên những công việc nặng nề và nguy hiểm mà các chiến sĩ cảnh sát giao thông phải làm hằng ngày. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, vào giờ cao điểm, cảnh sát phải vất vả điều tiết giao thông giữa trời nắng như đổ lửa. Những lúc mưa gió, cảnh sát cũng phải lội trong nước để giải tỏa những điểm ùn tắc giao thông.

Vẫn biết rằng đó là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông, nhưng ở một quốc gia mà hạ tầng còn yếu kém,  văn hóa giao thông còn thấp, ý thức chấp hành pháp lụât còn hạn chế, thì công việc của cảnh sát giao thông nặng nhọc vô cùng.

 

Tai nạn, kẹt xe xảy ra hằng ngày, làm chết và bị thương hàng chục ngàn người mỗi năm, nguyên nhân chủ yếu là do người dân không chấp hành lụât giao thông, phóng nhanh, vượt ẩu.

Xã hội chỉ có thể tiến bộ và hạn chế được các hậu quả về môi trường, tệ nạn xã hội hay tai nạn giao thông, khi có sự nỗ lực đóng góp bằng hành vi tích cực từ phía người dân. Người dân đòi hỏi chính quyền phải thực thi đầy đủ trách nhiệm trong việc tạo ra các sản phẩm hành chính và xã hội có chất lượng thì chính quyền cũng đòi hỏi người dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật.

Ngoài việc chấp hành pháp luật, mỗi người còn phải thực hịên trách nhiệm công dân, đó là góp phần xây dựng xã hội văn minh.

 

Lê Chân Nhân