Từ vụ "chuyến bay giải cứu": Người bị ép đưa hối lộ có được trả lại tiền?

PV

(Dân trí) - Luật sư cho biết trong trường hợp người bị ép đưa hối lộ chủ động khai báo trước khi sự việc bị phát giác thì được coi là không có tội và sẽ được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, trong những vụ án liên quan tới hoạt động đưa và nhận hối lộ, người đưa hối lộ có thể được trả lại tài sản hối lộ hay không? Nếu có, họ được trả lại trong trường hợp nào?

Ngoài ra, đối với những người bị ép, rơi vào tình thế buộc phải đưa hối lộ, họ có thể được miễn trách nhiệm hình sự hay không?

Trao đổi với phóng viên Dân trí, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, đưa hối lộ là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi, người vi phạm có thể đối diện những hình phạt khác nhau tại Điều 364 Bộ luật Hình sự 2015. Trong đó, khung hình phạt cao nhất sẽ là 12-20 năm tù, áp dụng đối với trường hợp số tiền hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên.

Từ vụ chuyến bay giải cứu: Người bị ép đưa hối lộ có được trả lại tiền? - 1

Luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).

Tuy nhiên, khoản 7 Điều này cũng quy định đối với trường hợp những người bị ép buộc đưa hối lộ, nếu họ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ. Ngoài ra, đối với người đưa hối lộ mà không bị ép buộc, nếu họ chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được xem xét miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ tài sản đã dùng để đưa hối lộ.

Pháp luật chưa có hướng dẫn cụ thể nào về khái niệm "Bị ép buộc đưa hối lộ"

Bình luận về tình tiết này, luật sư Thanh cho biết hiện chưa có hướng dẫn cụ thể nào về khái niệm "Bị ép buộc đưa hối lộ". Tuy nhiên, mặc dù không có hướng dẫn nhưng việc xác định tình tiết bị ép buộc cũng không phải là quá khó khăn.

"Hành vi ép buộc người khác phải đưa hối lộ được hiểu là hành vi đe dọa để đòi hối lộ, sách nhiễu buộc người khác phải đưa hối lộ cho mình. Người bị ép buộc không thể không đưa hối lộ, nếu không đưa thì chắc chắn quyền và lợi ích hợp pháp của mình không được bảo đảm thậm chí còn bị thiệt hại hơn. Người đưa hối lộ vì muốn được việc và biết đưa hối lộ là sai nhưng buộc phải đưa, vì bị ép buộc mà phải đưa chứ thực lòng không muốn làm như vậy.

Từ vụ chuyến bay giải cứu: Người bị ép đưa hối lộ có được trả lại tiền? - 2

Trong phiên xét xử vụ chuyến bay giải cứu, đánh giá về nhóm bị cáo Đưa hối lộ trong bản luận tội, VKS nhận định trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin - cho của một số đối tượng trong các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các doanh nghiệp đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay (Ảnh: Hoàng Hải).

Trong nhiều vụ án, những người có chức vụ, quyền hạn yêu cầu người khác phải đưa tiền cho mình thì mới giúp người đưa tiền được thực hiện những hoạt động kinh doanh của mình. Có cá nhân ban đầu không đồng ý, nhưng sau đó thấy việc kinh doanh bị trục trặc, chịu nhiều thiệt hại, thua lỗ nên đã buộc phải hối lộ và sau khi đưa hối lộ thì công việc lại suôn sẻ", ông Thanh phân tích.

Còn về khái niệm "Thời điểm phát giác", theo quy định tại khoản 6, Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, chủ động khai báo trước khi bị phát giác quy định tại khoản 7 Điều 364 và khoản 6 Điều 365 của Bộ luật Hình sự là trường hợp hành vi phạm tội Đưa hối lộ, Môi giới hối lộ chưa bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện, chưa bị ai tố giác nhưng người đưa hối lộ, người môi giới hối lộ đã tự khai báo toàn bộ sự việc đưa hối lộ, môi giới hối lộ mà mình thực hiện.

Như vậy "Thời điểm phát giác" là thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện tội phạm hoặc thời điểm có người tố giác tội phạm. Trước thời điểm này thì được coi là trước khi bị phát giác.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 và các văn bản liên quan, người phạm tội được miễn hoặc được xem xét miễn trách nhiệm hình sự trong các trường hợp sau: Có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Khi có quyết định đại xá; Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa; Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự; Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một số trường hợp và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả.

Ngoài ra một số tội danh cụ thể trong Bộ luật hình sự như tội "Làm gián điệp" (Điều 110), "Trồng cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy" (Điều 247), "Đưa hối lộ" (Điều 364), "Môi giới hội lộ" (Điều 365), "Không tố giác tội phạm" (Điều 390) cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự nếu như đáp ứng một số điều kiện nhất định.

"Tổng hợp những quy định trên, có thể thấy người bị ép buộc đưa hối lộ, nếu chủ động khai báo trước khi sự việc bị phát giác, tức thời điểm cơ quan có thẩm quyền phát hiện tội phạm hoặc có người tố giác hành vi phạm tội đó, thì được coi là vô tội và được trả lại tiền hối lộ.

Đối với người đưa hối lộ không bị ép buộc, họ có trách nhiệm thành khẩn khai báo và cần có thêm các tình tiết miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, để được xem xét không truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Thanh cho biết.

Hoàng Diệu