Sức sống lâu bền của những ca khúc cách mạng

Dòng ca khúc cách mạng ra đời từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám cho đến những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, cả dân tộc phải gồng mình trong cuộc chiến một mất một còn với kẻ thù để giành độc lập, thống nhất đất nước.

Điều đáng nói là, vượt qua thử thách nghiệt ngã của thời gian, cho đến nay nhiều ca khúc cách mạng vẫn vẹn nguyên sức sống, sức lan toả trong lòng người. Điều gì đã làm nên sức sống bền lâu ấy?

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Không phải ngẫu nhiên khi nhiều người cho rằng, mỗi ca khúc cách mạng là một trang lịch sử bằng âm thanh để cho thế hệ hôm nay nhìn lại quá khứ, trở về với nhứng năm tháng hào hùng của dân tộc. Mỗi ca khúc cách mạng ra đời thường gắn liền với những dấu ấn, sự kiện lịch sử cụ thể. Những mốc son trong lịch sử dân tộc đã lay động cảm xúc của bao thế hệ nhạc sỹ. Để rồi, nhiều ca khúc hay đã xuất hiện trong những thời khắc lịch sử đáng nhớ ấy. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc. Nhạc sỹ Xuân Oanh đã làm sống dậy thời khắc hào hùng, vĩ đại ấy qua ca khúc “Mười chín tháng tám”.

 

Rồi sau đó “Chín năm làm một Điện Biên/nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, không khí ngày chiến thắng trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 được nhạc sỹ Đỗ Nhuận thể hiện trong ca khúc “Giải phóng Điện Biên” mà mãi cho đến ngày nay, nhiều người, nhất là những người lính già đã từng trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp vẫn như còn vẹn nguyên cảm xúc rạo rực, sung sướng, bồi hồi. Cũng trong mạch cảm xúc viết về những thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, ngày 30/4/1975 đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều nhạc sỹ sáng tạo nên những ca khúc “để đời” không chỉ cho sự nghiệp sáng tác âm nhạc của bản thân mà còn ghi dấu ấn trong lịch sử âm nhạc dân tộc. Có thể kể ra đây một số ca khúc như thế: Đất nước trọn niềm vui (Hoàng Hà); Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng (Phạm Tuyên); Bài ca thống nhất (Võ Văn Di); Mùa Xuân trên thành phố Hồ Chí Minh (Xuân Hồng); Mùa xuân đầu tiên (Văn Cao)…

Con đường Trường Sơn huyền thoại cũng là nguồn cảm hứng bất tận để các nhạc sỹ viết nên những bài ca bất hủ. Biết bao mồ hôi, máu và nước mắt của các chiến sỹ đã đổ xuống trên con đường huyết mạch ấy để chiến công nối tiếp những chiến công. Ký ức đường Truờng Sơn sẽ còn mãi trong lòng biết bao thế hệ bởi những kỷ niệm in dấu trên con đường huyết mạch đã trở thành những hình ảnh không dễ mờ phai trong tâm hồn của biết bao người. Và vì thế, những ca khúc viết về Trường Sơn luôn mang âm hưởng hào hùng, bừng bừng khí thế nhưng không kém phần thiết tha, sâu lắng. Những ca khúc như: Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên); Cô gái mở đường (Xuân Giao); Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp); Đường Trường Sơn xe anh qua (Văn Dung)… đã trở nên rất đỗi thân thương, quen thuộc đối với nhiều người, nhất là những người trong cuộc đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa năm nào.

Một điều dễ nhận thấy về nội dung, đề tài ở các ca khúc cách mạng là tình yêu Tổ quốc, là niềm tự hào về đất nước, quê hương. Chính tình yêu đất nước, quê hương đã được các tác giả thổi hồn làm nên sức ngân vang của những ca khúc như: Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận); Đất nước (Phạm Minh Tuấn); Đường chúng ta đi (Huy Du); Giai điệu Tổ quốc (Trần Tìến)… Vượt qua mưa bom bão đạn, trải qua vô vàn những gian khổ hi sinh, niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng lạc quan vào tương lai tươi sáng chính là mạch nguồn của những giai điệu mượt mà, tha thiết ca ngợi vẻ đẹp của quê hương: Thành phố tình yêu và nỗi nhớ (Trần Long Ân); Huế tình yêu của tôi (Trương Tuyết Mai); Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (Nguyễn Văn Tý); Hà Nội niềm tin và hi vọng (Phan Nhân)…

Khi đề cập nội dung, đề tài của những ca khúc cách mạng không thể không nhắc đến những bản tình ca. Tình yêu luôn là đề tài hấp dẫn của các loại hình văn học nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng khai thác. Trong dòng ca khúc cách mạng, những bản tình ca mang trong mình nó một sắc điệu riêng. Trong hoàn cảnh chiến tranh bom đạn ác liệt, tình yêu riêng tư đã hoà chung nhịp đập với tình yêu đất nước. Những ca khúc như: Tình ca (Hoàng Việt); Gửi nắng cho em (Phạm Tuyên); Những ánh sao đêm (Phan Huỳnh Điểu); Mùa Xuân (Phạm Minh Tuấn)… đã gieo vào lòng người những ấn tượng tốt đẹp.

Trải qua bao năm tháng, những ca khúc cách mạng vẫn có một chỗ đứng vứng chắc trong lòng ngưòi yêu nhạc. Không chỉ có sức hấp dẫn đối với lớp người “trong cuộc” - những người đã trực tiếp trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mĩ, những ca khúc thuộc dòng nhạc truyền thống vẫn được một bộ phấn lớn giới trẻ đón nhận, biểu diễn, thưởng thức. Những ca khúc truyền thống vẫn được vang lên trong các buổi sinh hoạt tập thể, trong những chiến dịch HS-SV tình nguyện…

Sức sống của các ca khúc cách mạng còn được thể hiện trên các sân khấu ca nhạc hiện nay. Trong các cuộc thi giọng hát hay, các hội diễn văn nghệ chuyên và không chuyên, những ca khúc truyền thống ra đời cách đây hàng chục năm vẫn được nhiều người lựa chọn sử dụng trong các tiết mục của mình. Trả lời cho câu hỏi: vì sao các ca khúc cách mạng lại có sức sống lâu bền đến như vậy? nhiều người có chung ý kiến thống nhất cho rằng: sở dĩ các ca khúc truyền thống luôn có được chỗ đứng trong lòng người yêu nhạc là bởi những ca khúc ấy đã tái hiện được phần nào không khí hào hùng của những năm tháng không thể nào quên trong lịch sử dân tộc. Cái hay của các ca khúc cách mạng là sự kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa ca từ trong sáng và giai điệu đẹp, dễ đi vào lòng người.

Trong thời điểm hiện nay, dòng nhạc trẻ, dòng nhạc thị trường đang phát triển nhanh, sôi động những lại đang bộc lộ không ít bất cập trên nhiều phưưong diện: sự nghèo nàn, hời hợt, dễ dãi về nội dung và tính thẩm mĩ, sự sáo rỗng, nhạt nhẽo, lai căng trong ca từ, giai điệu. Điều đáng lưu tâm là những ca khúc “mì ăn liền” kiểu này lại đang được một bộ phận giới trẻ hồ hởi đón nhận và xem đó là những ca khúc “hot”, thể hiện sự “sành điệu” trong cái gọi là “phong cách âm nhạc hiện đai”. Thiết nghĩ, bằng nhiêu cách thức khác nhau để giúp giới trẻ có điều kiện tiếp cận nhiều hơn với dòng nhạc truyền thống như: thành lập các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng trong nhà trường, tổ chức các cuộc thi, liên hoan giọng hát hay về các ca khúc truyền thống v.v… sẽ góp phần định hướng, làm lành mạnh hoá thị hiếu âm nhạc đồng thời giáo dục truyền thống cho giới trẻ.

 

Bùi Minh Tuấn
Giáo viên trường THPT Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An

 

LTS Dân trí- Có thể nói, ca khúc cách mạng là những bản anh hùng ca, thể hiện sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu ngoan cường trước quân thù, cùng với sự rung động thẩm mỹ sâu xa mang âm hưởng nhạc truyền thống dân tộc, cho nên dễ thấm vào lòng mỗi người dân Việt Nam.

Dòng ca khúc cách mạng còn ghi lại  dấu ấn của cả một giai đọan lịch sử hào hùng của dân tộc bằng một lọai hình nghệ thuật độc đáo, có tính đại chúng và dễ làm rung động lòng người vừa bằng những ca từ tinh tế vừa bằng những âm hưởng và giai điệu  có sức lan tỏa và truyền cảm lớn. Đấy cũng là cơ sở của sự cảm hóa rộng rãi và vững bền của dòng ca khúc cách mạng.