Số phận pháp lý của nhân viên quán karaoke sau khi đâm chết khách hát

PV

(Dân trí) - Theo luật sư, khó có căn cứ xác định Ân phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. Tuy nhiên, nam thanh niên có thể được xem xét ghi nhận tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trưa 5/8, anh Vinh (tên nạn nhân đã được thay đổi) cùng nhóm bạn đến quán karaoke trên đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) để hát. Do là khách quen nên sau khi hát, Vinh ra quầy lễ tân nói chuyện với Lê Ân (29 tuổi, nhân viên quán karaoke) về việc giảm giá phòng hát nhưng không được đồng ý. Người này đe dọa Ân rồi lấy xe ra về.

Số phận pháp lý của nhân viên quán karaoke sau khi đâm chết khách hát - 1

Lê Ân tại cơ quan công an (Ảnh: Công an Đà Nẵng).

Một lúc sau, Vinh chở một thanh niên khác quay lại quán. Thanh niên này chém 2 nhát vào tay Ân rồi được Vinh chở về. Tiếp đó, Vinh lại trở lại quán và có thách thức, cãi cọ với Ân. Khi Vinh đi lên cầu thang thì bị Ân lấy dao đâm. Cả 2 giằng co, tới khi chạy ra trước quán thì Ân đâm thêm nhiều nhát vào lưng làm Vinh bị thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu.

Với những hành vi nêu trên, Ân có thể bị xử lý ra sao theo quy định của pháp luật?

Có thuộc trường hợp "tinh thần bị kích động mạnh" không?

Luật sư Lưu Thị Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, việc một người sử dụng hung khí tấn công vào các vùng trọng yếu, có khả năng tước đoạt mạng sống của người khác như đầu, cổ, ngực, vùng nội tạng… là hành vi có dấu hiệu của tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Do đó, theo những thông tin  báo chí đã đăng tải, việc Công an TP Đà Nẵng bước đầu bắt khẩn cấp Ân để điều tra về hành vi giết người là có cơ sở.

Về chi tiết Ân tấn công Vinh sau khi bị thanh niên đi cùng Vinh chém 2 nhát vào tay, luật sư Trang nhìn nhận cơ quan điều tra sẽ xem xét liệu đây có thuộc trường hợp giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hay không. Cụ thể, dưới góc độ pháp lý, vấn đề này đã được quy định tại Nghị quyết số 04/HĐTPTANDTC-NQ ngày 29/11/1986 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao.

Số phận pháp lý của nhân viên quán karaoke sau khi đâm chết khách hát - 2

Luật sư Lưu Kiều Trang (Giám đốc Công ty Luật Khải Hoàn Tâm).

Theo đó, điểm b, mục 1, Chương 2 Nghị quyết này định nghĩa tình trạng tinh thần bị kích động mạnh là tình trạng người phạm tội không hoàn toàn tự chủ, tự kiềm chế được hành vi phạm tội của mình. Sự kích động mạnh đó phải là tức thời do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân nên gây phản ứng dẫn tới hành vi của người phạm tội.

Cá biệt trong một số trường hợp, hành vi phạm tội được thực hiện do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức nặng nề, lặp đi lặp lại. Sự kích động đó đã âm ỷ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được.

Nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh.

Về phía nạn nhân, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đó tuy làm người phạm tội bị kích động mạnh nhưng nói chung chưa đến mức phạm tội. Nếu hành vi trái pháp luật trực tiếp xâm phạm tính mạng, sức khỏe người phạm tội hoặc người thân thích của người phạm tội, đã cấu thành tội phạm thì hành vi chống trả gây ra hậu quả chết người hoặc gây thương tích sẽ được xem xét có thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng, vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không.

Trong trường hợp cá biệt, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân cấu thành tội phạm ít nghiêm trọng (VD: tội Làm nhục người khác, Vu khống) thì người phạm tội khi thực hiện hành vi cũng được coi là phạm tội trong tình trạng tinh thần bị kích động mạnh.

Bên cạnh đó, để có thể xác định tinh thần của người phạm tội có bị kích động mạnh hay không và để phân biệt giữa "kích động" với "kích động mạnh", cần xem xét một cách khách quan, toàn diện các mặt như hoàn cảnh, diễn biến, nguyên nhân sâu xa và trực tiếp của sự việc; mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội; trình độ văn hóa của mỗi bên; mức độ nghiêm trọng của hành vi trái pháp luật của nạn nhân; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tình trạng tinh thần bị kích động mạnh của người phạm tội.

"Từ những phân tích trên, có thể thấy để một người được coi là phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, cần đáp ứng một trong 2 trường hợp sau: Hành vi phạm tội xảy ra bột phát, tức thời, ngay lập tức sau khi nạn nhân thực hiện hành vi trái pháp luật nghiêm trọng hoặc Hành vi phạm tội xảy ra sau khi bị hại thực hiện hàng loạt các hành vi trái pháp luật có tính chất đè nén, áp bức nặng nề, lặp đi lặp lại, âm ỷ, kéo dài, đến một thời điểm nào đó khiến người phạm tội bị kích động, không thể tự kiềm chế bản thân", luật sư Trang phân tích.

Số phận pháp lý của nhân viên quán karaoke sau khi đâm chết khách hát - 3

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc vào ngày 5/8 (Ảnh: Bình Chi).

Đối chiếu với trường hợp này, luật sư nhìn nhận ngay sau thời điểm bị chém, Ân chỉ bỏ chạy chứ không có phản ứng mang tính tức thời đối với Vinh và thanh niên đi cùng. Bên cạnh đó, dựa trên thông tin hiện có, hành vi của thanh niên đi cùng Vinh cũng không mang tính chất liên tục, lặp đi lặp lại hay kéo dài. Bởi vậy, chưa có căn cứ để chuyển tội danh đối với Ân từ Giết người (Điều 123) sang Giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (Điều 125) tại Bộ luật Hình sự 2015.

Nghi phạm đối diện các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ nào?

Trong trường hợp được xác định không thuộc tình huống "tinh thần bị kích động mạnh" và không được chuyển tội danh, việc Ân tấn công Vinh sau khi bị người của Vinh chém vẫn có thể được xem xét ghi nhận phạm tội trong tình trạng "bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra".

Nếu được ghi nhận tình tiết này, Ân sẽ được áp dụng ít nhất một tình tiết giảm nhẹ trong vụ án, căn cứ điểm e, khoản 1, Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng việc chuyển tội danh đối với Ân, dựa trên những thông tin hiện có trên báo chí, là chưa có cơ sở. Tuy nhiên, Ân có thể ghi nhận ít nhất một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, với việc dùng dao đâm Vinh trong quán rồi tiếp tục truy đuổi, tấn công nạn nhân khi đã chạy ra ngoài sân, đây là hành vi có thể bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự "Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng" theo khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

"Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng là quyết tâm thực hiện bằng được ý định phạm tội và hành vi phạm tội, mặc dù có sự can ngăn của người khác hoặc có những trở ngại khác trong quá trình thực hiện tội phạm. Trong trường hợp mục đích của người phạm tội không đạt, nhưng chứng minh được người phạm tội đang tìm mọi cách để thực hiện được tội phạm, đạt được mục đích phạm tội của mình thì vẫn có thể bị áp dụng tình tiết này.

Ngoài ra, trường hợp người phạm tội có sự lưỡng lự, không dứt khoát thực hiện tội phạm thì không áp dụng tình tiết này", luật sư Giáp phân tích.

Đối với tình huống này, sau khi bị Ân đâm, Vinh đã giằng co rồi chạy ra trước sân, tức tạo ra trở ngại trong quá trình phạm tội của Ân. Tuy nhiên, thanh niên này vẫn đuổi theo để tấn công nạn nhân. Bởi vậy, đây là hành vi có dấu hiệu phạm tội đến cùng.

Ngoài ra, ông Giáp cũng nhìn nhận, cơ quan chức năng sẽ đồng thời làm rõ trách nhiệm pháp lý của Vinh trong việc gọi người đến chém Ân. Trong trường hợp xác định Ân có thương tích, Vinh và thanh niên đi cùng có thể bị xem xét trách nhiệm về tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu