Quan hệ tình dục khi người khác say rượu có thể bị xử lý về tội gì?

Ngọc Hân

(Dân trí) - Theo luật sư, việc quan hệ tình dục trong lúc người khác say xỉn là hành vi lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của người khác để giao cấu. Do đó, người vi phạm có thể bị xử lý về tội Hiếp dâm.

Trên thực tế, không ít các trường hợp phụ nữ khi tham gia các buổi liên hoan đã bị người khác dụ dỗ cho uống rượu say để sau đó có thể thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Theo quy định của pháp luật, hành vi giao cấu với người khác trong tình trạng say xỉn bị xử lý ra sao?

Trả lời

Luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn giao cấu khác thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Hiếp dâm, khung hình phạt 2-7 năm tù. 

Quan hệ tình dục khi người khác say rượu có thể bị xử lý về tội gì? - 1

Quan hệ tình dục khi người khác say rượu có thể bị xử lý về tội gì? (Ảnh minh họa: Hồng Hải).

Về mặt khoa học pháp lý, một hành vi sẽ cấu thành tội Hiếp dâm nếu đáp ứng đầy đủ 4 yếu tố cấu thành như sau:

Thứ nhất, về chủ thể, người thực hiện hành vi có đầy đủ nhận thức, năng lực hành vi và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. 

Theo khoản 2, Điều 91 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về các trường hợp người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm một số tội ít nghiêm trọng, có nhiều tình tiết giảm nhẹ tự nguyện khắc phục hậu quả và không thuộc các trường hợp đặc biệt thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Điều luật này không áp dụng với người phạm một số tội theo luật định, trong đó có tội Hiếp dâm. Như vậy, có thể thấy bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên, có đầy đủ năng lực hành vi mà thực hiện hành vi hiếp dâm thì đều có thể bị xử lý hình sự.

Thứ hai, về mặt chủ quan, hành vi được thực hiện một cách cố ý trực tiếp. 

Thứ ba, về mặt khách thể, hành vi đó xâm phạm quan hệ nhân thân mà nội dung là quyền tự do tình dục của con người. Đối tượng tác động có thể là nam hoặc nữ. Trên thực tiễn, bị hại trong các vụ án hiếp dâm thường là phụ nữ. 

Thứ tư, về mặt khách quan, đầu tiên, người thực hiện hành vi đã dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc dùng thủ đoạn khác để quan hệ. Đó là hành vi trái với ý muốn của nạn nhân, không được họ đồng ý, chấp nhận. 

Trường hợp nạn nhân miễn cưỡng chấp nhận giao cấu vì một lý do nào đó thì hành vi không cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành khi cả hai hành vi trên được thực hiện.

Về khái niệm "tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân", khoản 7, Điều 3 Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã có quy định như sau:

"7. Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:

a) Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được);

b) Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi)".

Từ quy định này, có thể hiểu tình trạng không thể tự vệ được là tình trạng người bị hại không thể chống cự (VD: bị tai nạn, ngất, trói…) hoặc bị hạn chế, mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (VD: say rượu, bia, các chất kích thích khác… dẫn đến mất nhận thức tạm thời). Do đó, nếu một người cố tình lợi dụng rượu bia, chuốc say người khác để thực hiện hành vi giao cấu thì có thể bị xử lý về tội Hiếp dâm theo Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015.