Phát hiện con không cùng huyết thống, có thể yêu cầu "đối thủ" làm ADN?

Khả Vân

(Dân trí) - Luật sư cho biết, người được yêu cầu giám định ADN có quyền từ chối khi thấy việc xét nghiệm ADN xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Sau bài viết Đi xuất khẩu lao động về, đau lòng phát hiện 2 con không cùng huyết thống  và Người phát hiện 2 con không cùng huyết thống yêu cầu xác định cha của trẻ nhiều độc giả Dân trí cùng chung băn khoăn: trường hợp nào có thể yêu cầu cơ quan chức năng làm xét nghiệm ADN giữa trẻ và người nghi là bố của trẻ để xác định huyết thống?

Phát hiện con không cùng huyết thống, có thể yêu cầu đối thủ làm ADN? - 1

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy ông Sang và 2 con không có quan hệ huyết thống (Ảnh: Trung Thi).

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, quyền được xác định cha, mẹ là một trong những quyền cơ bản, chính đáng của trẻ em, được pháp luật bảo vệ theo quy định tại Điều 13 Luật trẻ em 2016.

Việc xác định cha, mẹ cho trẻ nhằm xác định về quan hệ huyết thống, nhân thân và tài sản, đây cũng là cơ sở để Tòa án giải quyết các tranh chấp (nếu có) về việc xác định cha, mẹ và con trong thực tế, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cha, mẹ và con.

Điều 101, 102 Luật hôn nhân gia đình 2014, quy định các trường hợp xác định cha, mẹ, con như sau:

- Trong trường hợp không có tranh chấp: Cha, mẹ, con đã thành niên không bị mất năng lực hành vi dân sự có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký hộ tịch xác định con, cha, mẹ cho mình.

- Trong trường hợp có tranh chấp: Cha, mẹ, con, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án xác định con, cha, mẹ cho mình; người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết. Trong trường hợp có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết, người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết.

Theo đó, hồ sơ để nộp đến các cơ quan có thẩm quyền để chứng minh quan hệ cha mẹ con là "Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con" (quy định tại khoản 1 Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP).

 Vì vậy, người dân có mong muốn xác nhận quan hệ cha, mẹ, con có thể yêu cầu giám định ADN để có căn cứ chứng minh quan hệ cha mẹ con.

Tuy nhiên, trong trường hợp không có kết quả giám định, nếu hai bên muốn nhận cha mẹ con cũng có thể làm văn bản cam đoan về mối quan hệ cha mẹ con và có ít nhất hai người làm chứng theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Thông tư này.

Quyền được giữ bí mật nhân thân, trong trường hợp này có được áp dụng hay không?

Như đã nêu ở trên, kết quả xét nghiệm ADN là một trong những căn cứ để xác định cha mẹ cho con. Tuy nhiên, việc xét nghiệm ADN chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của người xét nghiệm hoặc người giám hộ, bởi các mẫu vật xét nghiệm là các bộ phận trên cơ thể của con người ví dụ như mẫu tóc, mẫu máu, … của người xét nghiệm.

Mặc dù hiện nay, hệ thống các văn bản pháp luật của nước ta chưa có quy định cụ thể liên quan đến khái niệm "quyền được giữ bí mật nhân thân". Tuy nhiên, tại Điều 20 Hiến pháp năm 2013 đã có quy định về bất khả xâm phạm về thân thể của mỗi cá nhân như sau: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm."

Bên cạnh đó, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình như sau:

"1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác."

Vì vậy, người được yêu cầu giám định ADN có quyền từ chối khi thấy việc xét nghiệm ADN xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Trường hợp cá nhân có mong muốn thực hiện xác nhận quan hệ cha, mẹ, con, cần gửi yêu cầu đến cơ quan đăng ký hộ tịch hoặc Tòa án để được tư vấn cụ thể trong quá trình hoàn thiện thủ tục.