Bài 25:

Người trúng đấu giá 14 năm chưa được giao tài sản sẽ kiện Chi cục THA huyện Đông Anh?

(Dân trí) - Một bản án dân sự đã có hiệu lực thi hành, một cuộc bán đấu giá tài sản thành công và một người mua trúng đấu giá tài sản đã hơn 14 năm nhưng vẫn chưa nhận được tài sản trúng đấu giá. Thậm chí, vì sự chậm chễ của cơ quan thi hành án và một số đơn vị liên quan, hiện một phần tài sản mà người mua trúng đấu giá (đã thanh toán đầy đủ tiền mua) đã bị hủy hoại nghiêm trọng.

Đó là thực trạng của một vụ thi hành án đã kéo dài hơn 14 năm trên chính địa bàn thủ đô Hà Nội.

Như Dân trí đã đưa tin, năm 2002 bà Lê Thị Hồng Hạnh đã bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà đất là tài sản bán đấu giá để thi hành án. Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn 14 năm kể từ khi nộp đủ tiền để mua tài sản bán đấu giá, mặc dù đã có nhiều đơn thư khiếu nại, kiến nghị gửi tới các cơ quan để đề nghị giải quyết, bà Hạnh vẫn chưa nhận được nhà đất. Thêm vào đó, ngôi nhà cấp 4 mái bằng trong khối tài sản bà Hạnh đã mua hợp pháp cũng bị huỷ hoại hoàn toàn mà các cơ quan chức năng huyện Đông Anh vẫn “làm ngơ” bao năm qua.

Người trúng đấu giá 14 năm chưa được giao tài sản sẽ kiện Chi cục THA huyện Đông Anh? - 1

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Trước tiên phải nói đến vai trò, trách nhiệm của Ban chỉ đạo THADS huyện Đông Anh. Theo các quy định trước đây và hiện nay được quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 19/5/2016, vai trò của Ban chỉ đạo THADS là tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo việc tổ chức phối hợp các cơ quan có liên quan trong thi hành án dân sự trên địa bàn; giải quyết kịp thời những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong việc phối hợp. Về phía Chi cục THADS huyện Đông Anh, tại Luật THADS và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ nhiệm vụ của cơ quan THADS cấp huyện đó là trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định; Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thi hành án dân sự thuộc thẩm quyền.

Tuy nhiên, trên thực tế Ban chỉ đạo THADS huyện Đông Anh, Chi cục THADS huyện Đông Anh và Chấp hành viên phụ trách vụ việc đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình. Sự tham gia của Ban chỉ đạo THADS huyện Đông Anh trong quá trình giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong vụ THA này là quá mờ nhạt, đặc biệt là việc các cơ quan liên quan không thực hiện được việc cưỡng chế với lý do: “không bố trí đủ lực lượng bảo vệ cưỡng chế thi hành án” - một lý do hoàn toàn thể hiện sự yếu kém, bị động, bất lực trong công tác chỉ đạo thi hành án của BCĐ THADS huyện Đông Anh, Chi cục THADS huyện Đông Anh.

Thêm vào đó, khi việc cưỡng chế thi hành án không thể thực hiện được và phải hoãn, các cơ quan có liên quan không tiếp tục xây dựng kế hoạch để tổ chức cưỡng chế thi hành án lại. Chính sự bất lực và trì hoãn việc thi hành án của các đơn vị có liên quan đã dẫn tới vụ việc thi hành án kéo dài hơn 14 năm, tài sản đã được mua trúng đấu giá đáng lẽ ra phải được bàn giao cho người mua trúng đấu giá lại đã bị hủy hoại nghiêm trọng, gây nên thiệt hại lớn cho gia đình bà Hạnh.

Trao đổi với PV Dân trí, Luật sư Nhâm Mạnh Hà (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) cho rằng bà Hạnh hoàn toàn có quyền khởi kiện đến Tòa án yêu cầu Chi Cục THADS huyện Đông Anh, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Chấp hành viên phụ trách hồ sơ vụ việc này bàn giao tài sản mua trúng đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 (Luật TNBT), cụ thể:

Thứ nhất, về việc khởi kiện yêu cầu bàn giao tài sản:

Căn cứ theo quy định tại Điều 25, Điều 26 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm Nghị định số 86/CP ngày 19/12/1996 (sau đây gọi tắt là Quy chế bán đấu giá tài sản) thì ngay sau khi bà Hạnh thanh toán xong tiền mua tài sản, người bán đấu giá (ở đây là Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản - Sở Tư pháp Hà Nội) phải giao ngay tài sản cho bà Hạnh.


Người dân trúng đấu giá đã nộp tiền nhưng 14 năm chưa được giao tài sản cho biết sẽ khởi kiện Chi cục THA dân sự huyện Đông Anh ra toà.

Người dân trúng đấu giá đã nộp tiền nhưng 14 năm chưa được giao tài sản cho biết sẽ khởi kiện Chi cục THA dân sự huyện Đông Anh ra toà.


Với cách làm việc cẩu thả, tắc trách của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh, tài sản trúng đấu giá của bà Hạnh đã bị chiếm dụng, huỷ hoại và xây dựng lên ngôi nhà 4 tầng suốt 14 năm qua.

Với cách làm việc cẩu thả, tắc trách của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Đội thi hành án dân sự huyện Đông Anh, tài sản trúng đấu giá của bà Hạnh đã bị chiếm dụng, huỷ hoại và xây dựng lên ngôi nhà 4 tầng suốt 14 năm qua.

Bên cạnh đó, tại Hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá tài sản số 29/2002/HĐUQ ký ngày 03/6/2002 giữa Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và Đội Thi hành án dân sự huyện Đông Anh ký cũng đã nêu rõ: “…bàn giao tài sản cho người mua chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày người trúng đấu giá nộp đủ tiền cho bên B”. Điều này có nghĩa là theo thỏa thuận trong Hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản thì việc bàn giao tài sản phải được thực hiện chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày bà Hạnh nộp đủ tiền mua tài sản.

Sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản và hoàn thành việc bán đấu giá tài sản, ngày 11/10/2002, Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản đã có văn bản số 100/2002/CV-TT do Phó giám đốc Cao Anh Thắng gửi Đội THADS huyện Đông Anh đề nghị khẩn trương tổ chức bàn giao tài sản cho khách hàng. Tuy nhiên, cho tới nay, việc bàn giao tài sản vẫn chưa tiến hành xong. Việc Đội THADS huyện Đông Anh và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản không tiến hành các công việc trên để bàn giao lại tài sản trúng đấu giá cho bà Hạnh trong khi bà Hạnh trúng đấu giá và đã hoàn thành việc nộp tiền mua tài sản đấu giá ngày 17/07/2002 là vi phạm các quy định của pháp luật, xâm hại nghiêm trọng quyền lợi ích hợp pháp của gia đình bà Hạnh.

Giao dịch mua bán tài sản đấu giá cũng là một giao dịch dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự. Vì vậy, căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân 2015 (Tranh chấp về giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự), bà Hạnh có quyền khởi kiện đến TAND huyện Đông Anh yêu cầu Tòa án buộc Chi cục THADS huyện Đông Anh và Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản phải bàn giao tài sản cho mình.

Thứ hai, về yêu cầu khởi kiện đề nghị bồi thường thiệt hại:

Tại Điều 4 Luật TNBT quy định: “Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan có trách nhiệm bồi thường giải quyết việc bồi thường khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật ….”.

Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP Hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động THADS thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp người thi hành công vụ không ra quyết định hoặc không tổ chức thi hành quyết định về thi hành án dân sự quy định tại Điều 38 của Luật sẽ phát sinh khi có đủ các căn cứ sau đây:

+ Có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật;

+ Hành vi gây thiệt hại của người thi hành công vụ thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường quy định tại Điều 38 của Luật;

+ Có thiệt hại thực tế xảy ra;

+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế xảy ra và hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

+ Có lỗi cố ý của người thi hành công vụ.

Người trúng đấu giá 14 năm chưa được giao tài sản sẽ kiện Chi cục THA huyện Đông Anh? - 5

Kết luận sai phạm và đề nghị khởi tố vụ án nhưng sau 11 năm Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh vẫn được Công an huyện Đông Anh trả lời đang điều tra.

Kết luận sai phạm và đề nghị khởi tố vụ án nhưng sau 11 năm Chi cục Thi hành án huyện Đông Anh vẫn được Công an huyện Đông Anh trả lời đang điều tra.

Xét trong vụ việc này, tại Quyết định số 24/QĐ-CTHA ngày 13/4/2016 của Cục THADS thành phố Hà Nội về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Hạnh đã xác định rõ:

“Việc Chi cục THADS huyện Đông Anh chỉ căn cứ vào tính chất, mức độ khó khăn, phức tạp của vụ việc, hiện đang được các cơ qaun ban ngành địa phương giải quyết và yêu cầu cần làm rõ trước khi tổ chức thi hành dứt điểm vụ việc để không chấp nhận Đơn khiếu nại của bà Hạnh là chưa đánh giá hết toàn bộ vụ việc, chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, chưa đầy đủ căn cứ theo quy định pháp luật…”

“Cơ quan thi hành án cũng không xác định đây là trường hợp có sự kiện bất khả kháng, kết quả bán đấu giá không bị hủy theo quy định của pháp luật và đương sự cũng không có thỏa thuận khác. Tuy nhiên, đến nay bà Hạnh vẫn chưa nhận được tài sản mua trúng đấu giá là có phần trách nhiêm của chấp hành viên, Chi cục THADS huyện Đông Anh và Trung tâm DVBĐG”

“Mặt khác, hồ sơ thi hành án còn thể hiện chấp hành viên chưa tích cực, quyết liệt trong việc tổ chức thi hành án, chưa kịp thời báo cáo, đề xuất xử lý người tự tháo dỡ, phá hủy, xây dựng nhà trái phép trên đất đã kê biên; Chưa thực hiện quyết liệt, đầy đủ ý kiến chỉ đạp của Cục THADS TP Hà Nội trong việc yêu cầu giải quyết dứt điểm vụ việc, dẫn đến vụ việc bị kéo dài”.

Như vậy, qua kết luận này cho thấy chấp hành viên và những người thi hành công vụ khác đã có hành vi trái quy định pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành các quyết định về thi hành án; trì hoãn, kéo dài thời gian giải quyết việc thi hành án được giao không có căn cứ pháp luật. Đây là các hành vi được thực hiện với lỗi cố ý và Quyết định giải quyết khiếu nại của Cục THADS TP Hà Nội chính là văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật.

Các hành vi sai phạm của chấp hành viên, Chi cục THADS huyện Đông Anh đã gây ra thiệt hại cho gia đình bà Hạnh đó là một phần tài sản mua trúng đấu giá đã bị hủy hoại (căn nhà đã bị ông Mai phá hủy). Đây là thiệt hại thực tế đã xảy ra và thuộc phạm vi thiệt hại được bồi thường theo Điều 8 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP.

Cũng tại Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP và Luật TNBT đã quy định rõ người bị thiệt hại có quyền làm hồ sơ yêu cầu bồi thường gửi tới cơ quan có trách nhiệm bồi thường (ở đây là Chi cục THADS huyện Đông Anh) hoặc khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường theo quy định pháp luật.

Có thể thấy rằng, thi hành án là một trong những hoạt động thể hiện sự nghiêm minh của Pháp luật, của Nhà nước. Việc những người có thẩm quyền trong hoạt động thi hành án thiếu trách nhiệm, không sát sao vào nhiệm vụ được giao, dẫn tới việc cưỡng chế thi hành án dang dở hơn 14 năm, gây thiệt hại cho công dân, khiến công dân phải “cầu cứu” tới Tòa án là sai phạm hết sức nghiêm trọng, có tác động xấu đến lòng tin của nhân dân đối với pháp luật. Đây là các sai phạm cần được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật để làm trong sạch bộ máy nhà nước, tăng cường và nâng cao hiệu quả của công tác thi hành án dân sự ở địa phương, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho gia đình bà Hạnh.

Bà Hạnh cho biết, để đảm bảo sự tôn nghiêm của pháp luật và để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, ngoài việc tiếp tục đấu tranh yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an huyện Đông Anh làm rõ hành vi huỷ hoại tài sản của ông Mai, bà sẽ gửi đơn khởi kiện ra TAND huyện Đông Anh để yêu cầu Chi cục THADS huyện Đông Anh, Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản và các cá nhân có liên quan bàn giao khối tài sản bà đã mua hợp pháp 14 năm trước và bồi thường cho bà toàn bộ những thiệt hại thực tế đã phát sinh.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế (thực hiện)