Doanh nghiệp khiếu nại Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình

(Dân trí) - Trước việc Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình có dấu hiệu xử phạt trái pháp luật 5 bộ động cơ cửa cuốn của Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor, doanh nghiệp này đã có đơn khiếu nại gửi đến nhiều cơ quan chức năng.

Doanh nghiệp khiếu nại Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình - 1
Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor đã cung cấp hoá đơn bán hàng bị thiếu khi vận chuyển

Ngày 21/7/2010, Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình bắt giữ lô hàng bao gồm 04 bộ cửa khe thoáng đồng bộ (cửa cuốn và động cơ) và 01 bộ động cơ rời của Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor, có địa chỉ tại cụm công nghiệp Hà Bình Phương, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội với lý do là hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngay sau sự việc xảy ra, ngày 21/7/2010 và ngày 27/7/2010, Công ty Smartdoor có công văn và Đơn đề nghị gửi Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình về việc yêu cầu trả lại lô hàng kèm theo các hóa đơn chứng từ chứng minh rõ nguồn gốc hợp pháp của lô hàng.
 
Ngày 05/08/2010, Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình đã có công văn số 24/CĐ-QLTT trả lời Công ty CP cửa cuốn Úc Smartdoor. Trong công văn có viện dẫn điểm d, khoản 7, Điều 3 của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP về quy định hàng hoá nhập lậu với nội dung chi tiết như sau: "Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo theo quy định hoặc có nhưng không đủ hoá đơn, chứng từ hoặc có hoá đơn, chứng từ nhưng qua điều tra, xác minh của cơ quan chức năng xác định là hoá đơn, chứng từ không hợp pháp như hoá đơn giả, hoá đơn lập khống, hoá đơn mua bán bất hợp pháp, hoá đơn đã qua sử dụng."
 
Căn cứ vào sự viện dẫn này, Chi cục quản lý thị trường Quảng Bình đã trả lại cho Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor 4 bộ cửa cuốn trong toàn bộ lô hàng đã tạm giữ ngày 21/7/2010, xử phạt hành chính lái xe Trần Huy Tưởng về tội cố ý vận chuyển hàng nhập lậu 1.500.000 đồng và tịch thu toàn bộ tang vật vi phàm gồm 5 bộ động cơ model Y-300.

Hơn nữa, toàn bộ số hàng hoá trên đều có hoá đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp của 05 bộ động cơ, nên việc Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình vẫn cho rằng 05 bộ động cơ đó là hàng nhập lậu, cần phải được xem xét lại.

Sau khi xảy ra vụ việc, Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor đã cung cấp cả hoá đơn bán hàng và hoá đơn nhập hàng 30 bộ động cơ model Y-300 từ Công ty TNHH TM-DV Y Y. 
Doanh nghiệp khiếu nại Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình - 2
và hoá đơn nhập 30 bộ động cơ model Y-300 từ Công ty TNHH TM-DV Y Y
 
Trao đổi với PV Dân trí ngày 25/8, ông Nguyễn Sơn Hải, Giám đốc Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor cho biết: “Chúng tôi xin khẳng định và cam kết rằng 5 bộ động cơ model Y-300 nói trên là hàng nhập khẩu có nguồn gốc rõ ràng và có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định tại Phần II của thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT-BTC-BTM-BCA. Và vì vậy, việc Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình áp dụng điều khoản phạt bổ sung trong Nghị định 06/2008/NĐ-CP ngày 16/1/2008 để tịch thu 05 bộ động cơ của chúng tôi trong trường hợp này là không hợp lý.

Chúng tôi có đầy đủ hóa đơn chứng từ của 05 bộ động cơ model Y-300, tuy nhiên tại thời điểm kiểm tra lô hàng nhân viên lái xe của chúng tôi lại sơ suất không mang theo, vì vậy chúng tôi xin thừa nhận lỗi sơ suất này và chấp nhận mức phạt tiền là 1.500.000 (một triệu năm trăm nghìn đồng) như quy định tại Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại ngày 21/7/2010.

Trong trường hợp chúng tôi đã chứng minh rõ được nguồn gốc hợp pháp của lô hàng mà Đội Quản lý thị trường cơ động tỉnh Quảng Bình vẫn không giải quyết, chúng tôi sẽ thực hiện quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính của mình về quyết định xử lý vi phạm hành chính tại các cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”.

Nếu Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình buộc tội 05 động cơ trên là hàng nhập lậu thì Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình phải chứng minh được hoá đơn chứng từ của Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor là "hoá đơn, chứng từ không hợp pháp như hoá đơn giả, hoá đơn lập khống, hoá đơn mua bán bất hợp pháp, hoá đơn đã qua sử dụng".
 
Còn nếu chỉ căn cứ vào vế trước của điểm d, khoản 7, Điều 3 của Nghị định số 06/2008/NĐ-CP: "Hàng hoá nhập khẩu lưu thông trên thị trường không có hoá đơn, chứng từ kèm theo theo quy định", trong khi Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor đã chứng minh là hàng hoá có hơn đơn đầy đủ mà vẫn quy là hàng lậu thì đúng là quá máy móc.
 
Trước sự việc trên, ngày 25/8, Báo Điện tử Dân trí đã có Công văn số 18/BBĐ gửi Chi Cục quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình xem xét giải quyết đơn khiếu nại của Công ty Cổ phần cửa cuốn Úc Smartdoor theo quy định.

Vũ Văn Tiến