Vừa ra trường, cô gái bật khóc vì áp lực kiếm 30 triệu đồng/tháng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Áp lực đồng trang lứa, muốn có thu nhập cao, nhiều nhân sự trẻ chấp nhận làm nhiều công việc cùng lúc, ngủ 3-4 tiếng/ngày, bất chấp sức khỏe suy giảm.

Sợ cảm giác vô dụng

2h sáng, Ngọc Nhi (23 tuổi, ngụ TPHCM) đóng laptop (máy tính xách tay), mệt mỏi leo lên giường khi vừa hoàn thành công việc trong ngày. Kể từ khi nhận làm một lúc 3 công việc, cô gái trẻ lúc nào cũng trong tình trạng kiệt sức, thiếu ngủ triền miên. 

Nguyên nhân Nhi làm việc "bán sống bán chết" vì mong muốn có thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng. Bạn bè xung quanh đều cày nhiều việc cùng lúc, Nhi sợ rằng sẽ bị bỏ xa nếu cho phép bản thân nghỉ ngơi.

"Mỗi buổi sáng thức dậy, tôi tự hỏi hôm nay mình sẽ làm gì để hoàn thành việc thật tốt, rồi áp lực đến mức bật khóc", Nhi bộc bạch.

Trước đây, Nhi từng làm việc từ 8h đến 23h, nhưng do quá mệt mỏi nên đã chuyển sang công việc khác nhẹ nhàng hơn. Mỗi ngày, cô gái làm việc từ 8h đến 17h cho công việc sáng tạo nội dung ở văn phòng. Buổi tối, Nhi đi dạy tiếng Anh và nhận thêm dự án về nhà làm.

Mặc cho bố mẹ khuyên ngăn, cô gái vẫn kiên quyết cày 3 công việc cùng lúc. Nhi cảm thấy bản thân vô dụng nếu để bản thân rảnh rỗi bất cứ lúc nào. Khái niệm chỉ làm việc kiếm tiền vừa đủ sống, hầu như không có trong "từ điển" của cô gái ngoài đôi mươi. 

"Hiện nay rất khó để tìm việc, các công ty cũng sa thải nhân viên hàng loạt nên không biết liệu có ngày mình cũng bị sa thải hay không. Vì vậy, tôi cứ tranh thủ kiếm tiền để khi nào công việc có trục trặc, thất nghiệp hay có lúc cần dùng tiền, tôi cũng có thể xoay sở được", Nhi nói.

Vừa ra trường, cô gái bật khóc vì áp lực kiếm 30 triệu đồng/tháng - 1

Chạy đua với thời gian, nhiều nhân sự trẻ rơi vào nhịp sống hối hả khi phải cày nhiều việc cùng lúc (Ảnh minh họa).

Tấn Phước (22 tuổi) cũng cày 3 công việc cùng lúc và luôn kết lúc một ngày làm việc lúc nửa đêm. Với thu nhập khoảng 10 triệu đồng, Phước cho hay bản thân phải chịu những đánh đổi về sức khỏe. Ngoài việc bị đau lưng do ngồi quá nhiều, việc sáng tạo nội dung cũng bị ảnh hưởng khi phải liên tục suy nghĩ.

"Cảm giác bận rộn khiến tôi cảm thấy không để thời gian trống vô bổ. Càng làm được nhiều tiền thì càng thấy tự hào hơn, đặc biệt những lúc chia sẻ với bố mẹ, gia đình", Phước nói.

Kiệt sức, tâm trí… rối bời

Tâm Như (21 tuổi) vừa tốt nghiệp đại học nhưng cũng đang làm 2 công việc cùng lúc. Hiện tại, Như làm ở bộ phận kinh doanh khách đoàn - khối du lịch nước ngoài tại công ty du lịch. Buổi tối, cô gái tranh thủ kiếm thêm tiền từ việc làm hướng dẫn viên cho khách nước ngoài.

Hai công việc này cho Như thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng, tùy theo số lượng tour được công ty điều phối. Trong trường hợp có tour buổi tối, Như phải làm việc từ 8h đến 23h.

"Về đến nhà tôi còn phải vệ sinh cá nhân, dọn dẹp nhà cửa nên đến 0h mới đi ngủ. Đôi lúc công việc còn tồn đọng, tôi phải thức đến 2h. Sáng hôm sau lại phải dậy lúc 6h để lên công ty, thú thật là rất thiếu ngủ và kiệt sức", Như nói.

Vừa ra trường, cô gái bật khóc vì áp lực kiếm 30 triệu đồng/tháng - 2

Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe, nhân sự trẻ gặp khó khăn trong việc cân bằng thời gian cho bản thân, bạn bè, gia đình và các mối quan hệ khác (Ảnh minh họa).

Ngoài vấn đề về sức khỏe, nhân sự trẻ này còn khó cân bằng thời gian giữa các mối quan hệ bạn bè, gia đình và công việc. Như chỉ có thể giữ được các mối quan hệ thân thiết, những người thật sự thông cảm cho lịch trình làm việc dày đặc của mình.

"Đồng tiền khiến tôi bị cuốn theo nhịp sống hối hả, quên đi mục tiêu ban đầu của việc đi làm là trải nghiệm và học hỏi", Như bộc bạch.

Nhân sự trẻ Ngọc Nhi cũng nhiều lần ngủ gục khi lái xe vì thức khuya giải quyết công việc. Thỉnh thoảng, cô gái giật mình thức giấc vào 5h sáng, vội mở laptop để hoàn thành việc còn dang dở. Các mối quan hệ xung quanh cũng ít dần vì không còn thời gian để quan tâm nhau.

"Phải làm một lúc 3 công việc, tôi mệt mỏi khi đầu óc lúc nào cũng nghĩ về công việc. Tính chất, nhiệm vụ của các đầu việc khá khác nhau nên suy nghĩ cũng bị lẫn lộn. Thời gian biểu không hợp lý khiến tôi mắc bệnh viêm dạ dày", Nhi nói.

Đối với Nhi, làm nhiều công việc cùng lúc sẽ mang lại thu nhập cao, cũng như cải thiện tay nghề và kỹ năng quản lý thời gian. Tuy nhiên, người trẻ phải đánh đổi rất nhiều về thời gian, sức khỏe và các mối quan hệ.

"Có thể tôi sẽ cày việc thêm vài năm nữa rồi giảm bớt cường độ làm việc. Bởi, công việc cũng chỉ là một phần trong cuộc sống, nên biết cân bằng nếu không sau này sẽ mất đi những thứ quan trọng hơn", Nhi chia sẻ.

Thống kê của Bộ Y tế năm 2017 chỉ ra, khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. 

Theo Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Anh Thơ, căng thẳng là căn bệnh "thời đại", mà ngày càng nhiều người phải đối mặt, nhất là những người lao động làm việc với cường độ cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hậu quả của căng thẳng nghề nghiệp kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của con người.

Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động cho rằng, người lao động cần không ngừng trau dồi và nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công việc, đời sống. Như vậy, sẽ giúp ích trong quá trình hoàn thiện bản thân cũng như tạo thêm nhiều cơ hội để phát triển hay tìm kiếm các công việc mới nếu cần thiết.

Bên cạnh đó, cần dành thời gian cho bản thân sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Mục đích của đi làm vẫn là để bản thân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, vì thế đừng quên dành cho những phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng của bản thân trong suốt thời gian qua.