Bộ trưởng Đào Ngọc Dung:

Chuyện cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh có sự vô cảm của người lớn

An Linh

(Dân trí) - "Câu chuyện khiến cháu bé phải nằm bệnh viện là sự vô cảm của người lớn. Nếu từ lúc cháu nuốt đinh, gẫy tay... các cơ quan bệnh viện, người lớn báo sớm thì mọi chuyện đã không xảy ra".

Quan điểm của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Cục Trẻ em về công tác trợ giúp, chăm sóc trẻ em năm 2022.

Chính sách cho trẻ em được ưu tiên trong năm Covid-19

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bức tranh về công tác trẻ em năm qua cơ bản là tốt đẹp, đạt nhiều thành tựu to lớn, từ y tế, chăm sóc sức khỏe và đời sống vật chất tinh thần. Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ hơn, các tổ chức, cơ quan hệ thống chính quyền, hệ thống xã hội, phong trào toàn dân chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh.

Năm qua, Ngành đã làm được nhiều việc, trong đó trợ giúp cho trẻ mồ côi, trẻ dính F0, trẻ F1, phụ nữ sinh con thời gian F0...được hỗ trợ chi phí mà nhiều chính sách chúng ta đã đi trước đón đầu...

Chuyện cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh có sự vô cảm của người lớn - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tại buổi làm việc với Cục Trẻ em về công tác trẻ em năm 2022.

Tuy nhiên, thời gian qua có nhiều vấn đề được quan tâm, trẻ em đuối nước và nạn xâm hại, bạo lực trẻ em còn xảy ra ở nhiều nơi, ở nhiều địa bàn. Tình trạng xâm hại trẻ em có nhiều đối tượng, sử dụng phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, trá hình... để lại những hậu quả nhức nhối và nặng nề.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trẻ em vừa là mục tiêu, vừa là đối tượng, là chủ thể trong phát triển con người. Con người là mục tiêu động lực phát triển, thì trẻ em là trung tâm động lực. Trẻ em là tương lai nhưng là đối tượng bị tác động xâm hại vì các em không tự bảo vệ được bản thân. Do đó, việc bảo vệ các em là phụ thuộc vào sự bảo vệ phải người lớn và việc trẻ em tự biết các thông tin bảo vệ.

Giải pháp hiện để giải quyết vấn đề này là lấy phòng ngừa là chính, quan tâm đến giáo dục pháp luật, mọi lúc, mọi nơi trên phương tiện truyền thông, phải tạo môi trường thân thiện, an toàn và lành mạnh. 

"Nơi an toàn nhất là gia đình. Nhưng ở nơi an toàn nhất lại xảy ra bạo hành! Tại sao để người lạ tiếp cận các em đơn giản như vậy? Nếu người thân có trách nhiệm thì những chuyện đó đã không xảy ra. Chúng ta hỗ trợ cháu cũng chỉ là điểm cuối thôi. Cái xảy ra rồi, chúng ta chỉ giải quyết được phần ngọn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH cho rằng phải hỗ trợ, can thiệp ngay từ khi có nguy cơ, chứ không chờ xảy ra rồi mới giải quyết.

"Có nguy cơ thì phải báo cáo ngay, không thể thờ ơ, vô cảm. Bản thân chúng ta, chỉ cần nghe con cháu mình khóc thì như xát muối vào người. Chứ ở đây họ bạo hành con mình mấy tiếng đồng hồ tại sao bố mẹ không biết?", Bộ trưởng chia sẻ.

Thanh tra toàn diện, không có vùng cấm!

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung yêu cầu, năm 2022 phải thực hiện thanh tra, giám sát toàn diện công tác chăm sóc, giáo dưỡng trẻ em. Không có vùng cấm, phải thực hiện 5 nhất: Phát hiện vụ việc sớm nhất, điều tra kết luận nhanh nhất, xử lý kịp thời, xử nghiêm nhất và hỗ trợ tốt nhất.

Chuyện cháu bé 3 tuổi bị đóng đinh có sự vô cảm của người lớn - 2

Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH yêu cầu: Năm 2022 sẽ tổ chức thanh kiểm tra, không có vùng cấm.

Dẫn trường hợp cháu bé 3 tuổi ở Thạch Thất bị đóng đinh vào đầu, đang nằm viện Xanh Pôn (Hà Nội), Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: "Câu chuyện khiến cháu bé phải nằm bệnh viện hiện giờ là vô cảm của người lớn, không thể chấp nhận được! Nếu phát hiện từ lúc cháu nuốt đi, gẫy tay... trước đây thì mọi chuyện đã không xảy ra".

Về công tác chăm sóc, hỗ trợ trẻ em tại cơ sở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, việc phối hợp của giữa Ngành với các địa phương chưa tốt trong việc cấp kinh phí, nhân sự.

"Mấy năm trước tôi biết có một địa phương tổ chức mấy tỷ đồng cho Tết Trung thu, nhưng không có đồng tiền nào cho công tác chăm sóc trẻ em. Chúng tôi điện, yêu cầu họ cấp ngân sách lập tức là có ngay", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, công tác tuyên truyền về chăm sóc, bảo vệ trẻ em cần làm bài bản, mới hơn. Công tác giáo dục quyền trẻ em, hay thông tin về Tổng đài Quốc gia chăm sóc trẻ em số 111 cần phải đưa vào nhà trường, cần bàn với Bộ GD&ĐT để đưa thông tin này vào sách giáo khoa, đồ chơi...

Kết luận tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắn nhủ: "Tất cả cha, mẹ, người lớn, hãy dành sự quan tâm tốt nhất cho trẻ em".