1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Ám ảnh bài viết con gái kể ký ức kinh hoàng về "người cha bạo hành"

Hoài Nam

(Dân trí) - Cô con gái viết về người cha bạo hành với những ký ức đau đớn làm nhiều người thật sự bị ám ảnh.

Những ngày qua, cộng đồng mạng, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, các nhà giáo dục liên tục lên tiếng quanh bài viết kể về người cha bạo hành của một cô gái trẻ. 

Ám ảnh và cả sửng sốt là cảm giác của nhiều người khi đọc những ký ức cô gái phơi bày về người cha - là tác giả của nhiều tác phẩm thơ ca về tình yêu, lối sống cùng vẻ ngoài đẹp trai, lịch lãm.

Ám ảnh bài viết con gái kể ký ức kinh hoàng về người cha bạo hành - 1

Bài viết cô gái kể lại ký ức người cha bạo hành kéo theo sự ám ảnh (Ảnh chụp lại màn hình).

Cô con gái kể, năm 7 tuổi cô chứng kiến bố nắm tóc, quật mẹ ra sàn đứng từ trên cao đấm thẳng xuống từng cú liên tiếp, dùng tấm phản đập liên tục lên đầu mẹ. Người bố lôi mẹ cô vào nhà vệ sinh đập đầu vào lavabo đến vỡ cả bồn rửa, người vợ khốn khổ vỡ răng...

Đó là ký ức ông bố chọi thẳng con dao về phía mẹ, rồi quật mẹ ra sàn mà đấm. Trong cuộc bạo hành đó, người mẹ đuổi cô con gái trốn vào nhà vệ sinh... Hay là sự việc chính cô con gái bị bố ném bát sứ vào mặt.

Tiếp đó là hành trình bố mẹ cô ly hôn đầy đau khổ, vật vã. 

Theo cô con gái, bên ngoài, bố được đánh giá là "chơi đẹp" với mọi người nhưng ông có xu hướng bạo hành vợ con. 

Tổn thương của cô con gái được nhắc đến trong chi tiết: "Cả bố mẹ cho tôi một khoản nhỏ hậu ly hôn để mua chung cư. Nhưng tôi không thể mua vì cần tiền để điều trị tâm lý. Sẽ chẳng có số tiền nào đủ đền bù cho cuộc đời tôi...".

Khi đọc những chia sẻ về ký ức đau thương khủng khiếp như vậy, nhiều người bật khóc. Bởi họ thấy chính mình trong đó, gia đình mình trong đó. Những đứa con phải chứng kiến cảnh bố bạo hành, tra tấn mẹ; những đứa con bị chính bố mẹ đánh đập, chửi bới, bạo hành tinh thần... 

Bạo lực gia đình mà phụ nữ và con trẻ là nạn nhân phải nói là không hề hiếm. Điều tra quốc gia tại Việt Nam năm 2019 cho thấy có đến 63% phụ nữ Việt từng lập gia đình phải trải qua bạo lực. Nói một cách dễ hình dung cứ 3 phụ nữ kết hôn thì hai người bị bạo lực. 

Ám ảnh bài viết con gái kể ký ức kinh hoàng về người cha bạo hành - 2

2/3 phụ nữ Việt Nam lập gia đình từng bị bạo hành (Ảnh minh họa).

Bà Elisa Fernandez, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam trăn trở, bạo lực bạo lực gia đình thường diễn ra một cách bí mật và vẫn còn được xem là vấn đề cá nhân, riêng tư phải giấu kín.

Tại Việt Nam, điều cần lưu ý nhất trong vấn đề bạo lực giới chính là và văn hóa im lặng. Cộng đồng chưa xây dựng được không gian để phụ nữ không phải xấu hổ khi kể ra tình cảnh của mình. 

Cô gái cần được bảo vệ 

Rất nhiều ông chồng, ông bố có bộ mặt bên ngoài xã hội rất... đẹp, lởi xởi, lịch sự, đạo đức với cả thiên hạ nhưng tất cả những xấu xí, tệ bạc, tàn nhẫn lại mang về nhà, dành cho chính người thân, vợ con. 

Nhưng khi nạn nhân lên tiếng thì có khi chính họ bị ném đá. Chúng ta đã quen thuộc với những lời dạy dỗ như "nhịn đi mà sống", "sống vì con", "vợ thế nào thì chồng mới đánh"... Hay cả tư tưởng "thương cho roi cho vọt" trong dạy con vẫn còn được tung hô. 

Trong sự việc trên, cô con gái lên tiếng kể lại sự việc bố bạo hành vợ con, bên cạnh những cái ôm, sự chia sẻ cũng diễn ra làn sóng tấn công nạn nhân. 

Không ít người, kể cả những người được gọi là trí thức cho rằng đó là "chuyện gia đình người ta", "sao không đánh người khác mà đánh vợ con, vợ con phải thế nào đó... ", "đằng nào cũng là bố mình, đẹp đẽ gì mà phơi ra"... Kinh hoàng hơn, có người còn phân tích lỗi của chồng chỉ 40%, còn lại lỗi của vợ con. 

TS Hà Thanh Vân, tác giả cuốn "Đàn bà thì phù phiếm" chia sẻ câu chuyện đau xót vì những thương tổn tâm lý có lẽ không bao giờ lành lặn nổi của cô con gái nhưng bà còn bàng hoàng hơn nữa vì sự vô cảm của nhiều người. 

Ám ảnh bài viết con gái kể ký ức kinh hoàng về người cha bạo hành - 3

"Sẽ chẳng có số tiền nào đủ đền bù cho cuộc đời tôi..." (Ảnh minh họa).

Sự vô cảm đến từ sự thờ ơ của họ hàng bên nội, từ tình thương nhưng lại nín nhịn của họ hàng bên ngoại. Sự vô cảm đến từ chính việc chấp nhận bạo hành của người mẹ. Sự vô cảm của những câu thắc mắc, khuyên nhủ của người dưng qua đường và cả những người quen biết: Có đúng vậy không, vì đây mới chỉ nghe một chiều? Phải làm sao thì mới bị đánh đập như vậy chứ? Không có lửa sao có khói? "Lời nói đọi máu", phải cân nhắc kẻo làm tổn thương một nghệ sĩ nhạy cảm như ông bố...  

"Dù biết rằng mọi thứ phải nhìn từ nhiều chiều nhưng có một thực tế nhức nhối, dư luận xã hội luôn có khuynh hướng đổ lỗi cho nạn nhân. Và đây mới là điều đáng sợ nhất", TS Hà Thanh Vân bày tỏ.

Sự việc cô gái lên tiếng kể về người cha bạo hành cùng những tổn thương cô đang phải gánh chịu, theo các chuyên gia tâm lý, cô con gái cần được bảo vệ. Là nạn nhân, họ cần được giúp đỡ, hỗ trợ thay vì bị tấn công, đả kích.