Phan Cường: "Khúc gỗ" đã đâm chồi, nẩy lộc!

"Cậu như một khúc gỗ khó gọt giũa" - giáo sư Nhạc viện Hà Nội Giang Minh Thực đã nói như thế với Phan Cường khi khuyên anh đừng theo nghề nhạc. Không nản chí, Phan Cường quyết thi đỗ vào trường Nghệ thuật Hà Nội và xây dựng cho mình một sự nghiệp âm nhạc riêng.

30 tuổi đời, sở hữu một phòng thu uy tín và giành giải Phối khí xuất sắc trong Bài hát Việt - dường như anh đang khẳng định "khúc gỗ" năm nào đã đâm chồi, nẩy lộc.

 

Khởi đầu cùng Flamenco

 

Chú Trần Hiếu cũng lắc đầu quầy quậy nói "nhất định mày sẽ trượt nếu cứ cố thi". Nguyên do là Cường không biết tý nào về thanh nhạc mà chỉ biết chơi nhạc cụ nhưng người ta lại xếp thầy Trần Hiếu kiểm tra năng khiếu "vừa hát vừa hò" của anh. Đến bây giờ, mỗi khi có dịp gặp lại chú Hiếu anh vẫn nhắc lại kỷ niệm đó dù chú không còn nhớ nữa.

 

Cú "phốt" đầu đời không làm Cường nhụt chí. Nghe nói cửa vào trường Nghệ thuật Hà Nội dễ dàng hơn, anh quay sang thi và học bộ môn trống, nhạc cụ gắn bó với anh từ khi còn là một cậu bé. Nhưng với Phan Cường có lẽ cuộc gặp gỡ với Lê Minh Sơn đã tạo một bước chuyển khá mạnh mẽ trong định hướng nghệ thuật của anh.

 

Cùng với Lê Minh Sơn xuất thân từ nhạc viện Hà Nội và Phan Kiên (anh em sinh đôi với Phan Cường), những người cùng chung đam mê với phong cách thể hiện aucostic đã thành lập ban nhạc mang tên Flamenco, một dòng nhạc xuất phát từ Tây Ban Nha.

 

Anh tâm sự: "Chơi nhạc Flamenco đã trở thành lẽ sống của tất cả các thành viên, dù phải bỏ tiền túi ra để tổ chức, để được chơi dòng nhạc mình thích, đó cũng là niềm hạnh phúc khó miêu tả".

 

Mở phòng thu vì.... nàng !

 

Ngoài niềm đam mê âm nhạc, Phan Cường còn là người hết mình với tình yêu. Hồi đó, anh mới yêu cô cựu sinh viên nhạc viện Hà Nội, làm biên tập viên âm nhạc của Ban Văn nghệ Đài THVN, Phan Cường đã bao phen cùng nàng đi gõ cửa cầu cạnh các phòng thu để dựng bài vở phát sóng cho chương trình.

 

"Thời đó Đài chưa có phòng thu, các ca sĩ thường được ghi hình ngoài trời, "hái hoa, bắt bướm", Cường cười vui kể lại: "Ngà (tên vợ anh) toàn phải đi sớm về muộn, vất vả cậy cục các phòng thu cho kịp nộp băng. Đến khi mang bầu rồi mà thấy vợ vẫn vất vả ngược xuôi như thế, Cường vừa thương vừa tức. "Cái khó, ló cái khôn", trong đầu anh bỗng nhiên hiện ra câu hỏi: "Tại sao mình không thể mở riêng một phòng thu ở nhà, chí ít là giúp vợ chủ động trong công việc". Nghĩ là làm, Phan Cường huy động cả người anh sinh đôi của mình vào cuộc. Một thời gian sau, Kiên - Cường studio ra đời.

 

Hiện nay, nhắc đến phòng thu Kiên - Cường studio, chắc trong giới âm nhạc Hà Nội mấy ai ngạc nhiên. Có khá nhiều album có sức hấp dẫn cao trên thị trường bắt đầu từ đây, nhất là với những ca sĩ trẻ, từ Bên bờ ao nhà mình (Ngọc Khuê), Chạy trốn (Tùng Dương), đến một seri album của Thanh Lam và sắp tới là dự án 5 chương trình cho cô cũng sẽ thu tại phòng thu này. Chắc sẽ có người đặt câu hỏi tại sao Phan Cường ít sáng tác ca khúc mà chỉ chuyên tâm dành cho việc hòa âm phối khí? Bạn sẽ nhận được một nụ cười tươi và câu trả lời rằng: "Bởi bên tôi đã có những người bạn sáng tác quá giỏi, như Lê Minh Sơn nên...". (cười!)

 

Với nỗ lực của mình và đồng nghiệp, Phan Cường đã tạo lập được một thương hiệu riêng cho phòng thu. Thành công gần đây nhất của anh là sự cộng tác với tác giả Vĩnh Tiến khi anh phối khí cho bài Bà Tôi tại đây. Anh đã rất hiểu ý đồ của tác giả khi sử dụng thế mạnh của bộ gõ trên nền hòa thanh nhạc jazz, tạo nên hiệu quả đặc biệt cho bài hát. 

 

Theo Hoài Vũ

Truyền Hình